Sai lầm của bố mẹ khi cho trẻ uống nước

Admin
Bố mẹ không nên chờ đến lúc con khát mới cho uống nước vì trẻ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, bài tiết, điều nhiệt...

Theo bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cơ thể bị thiếu nước trong mùa hè là điều thường xảy ra với tất cả mọi người, nhất là với trẻ em.

Thời tiết nắng nóng, sử dụng quạt hay máy lạnh khiến trẻ dễ mất nước và muối do đổ mồ hôi. Thiếu nước ảnh hưởng đến chức năng bài tiết, tiêu hóa, điều nhiệt gây khó tiêu và biếng ăn. Việc chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng khiến trẻ dễ bị cảm, sốt.

 Cơ thể trẻ không thể thiếu nước lọc như nước đun sôi để nguội, nước tinh khiết. Ảnh: Health

Bác sĩ Niên cho biết, nhu cầu uống nước hằng ngày ở trẻ khác nhau theo độ tuổi và cân nặng. Trong đó, trẻ nhỏ dưới 10 kg cần khoảng 100 ml trên một kg cân nặng. Trẻ trên 10 tuổi cần lượng nước uống bằng người lớn, khoảng 1,5-2 lít một ngày,

Trong một số trường hợp, cơ thể trẻ đã cần được cung cấp nước dù chưa cảm thấy khát, do đó cha mẹ nên cho trẻ uống nước thường xuyên trong ngày. Những trẻ có chế độ sinh hoạt, vận động, tập luyện thông thường nên uống nước lọc để đảm bảo đủ nước và giải khát hiệu quả. Đặc biệt, trẻ cần uống nhiều nước hơn khi tập luyện vào ngày nắng nóng.

Bác sĩ khuyến cáo: "Phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, nước đá, nước có ga... Những loại nước này chỉ giúp trẻ thấy đã khát lúc uống nhưng không có tác dụng bù nước và gây những hậu quả xấu như viêm họng do uống lạnh, chán ăn, béo phì, hạn chế phát triển chiều cao".

Nước có tác dụng điều hòa thân nhiệt, bài tiết chất độc hại trong cơ thể ra ngoài. Cơ thể con người không thể thiếu nước lọc như nước đun sôi để nguội, nước uống tinh khiết và cần bổ sung thêm sữa, sữa chua, sinh tố, nước ép trái cây tươi..., bác sĩ Niên cho biết thêm.