Sai lầm khi dùng đai nịt bụng cho vòng hai thon gọn

Admin
Đai nịt bụng khi bóp lại khiến ruột bị ép lên phổi gây khó thở, táo bón, máu nuôi các tạng bụng không còn sinh lý.

Sau khi sinh con, chị Hồng Yến ở TP HCM mua đai nịt bụng về sử dụng với mong muốn giảm số đo vòng eo 100 cm. Nịt được ba ngày, vùng bụng của chị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, đau co thắt từng cơn và sau đó là khó thở. Chị Yến đến bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày, do chèn ép của đai nịt lên da gây dị ứng.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đai nịt bụng chỉ có tác dụng cơ học nén tạm thời chất béo và da xung quanh vùng bụng chứ không giúp bụng thon gọn. Khi bóp quá chặt, hệ thống tiêu hóa bị đẩy lên cơ hoành ép phổi gây khó thở, máu đến các tạng vùng bụng không còn sinh lý.

"Với phụ nữ mới sinh, đai nịt bụng có thể gây khó thở, tức bụng, làm giảm chức năng bài tiết gây bít tắc các lỗ chân lông, từ đó kích ứng da, làm giảm máu lên da", ông Tuấn nói.

 Lạm dụng đai nịt bụng có thể gây ra chứng trào ngược dạ dày - thực quản, kích ứng da. Ảnh: GGS

Bác sĩ Tuấn cũng cho rằng sử dụng đai nịt bụng khi tập thể dục cũng không hiệu quả do cơ trên vùng bụng teo làm da lỏng lẻo. Ngoài ra, lạm dụng đai nịt bụng có thể gây nên các vấn đề cơ học tại dạ dày, điển hình là chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Ông Tuấn khuyến cáo, chị em chỉ nên đeo nịt bụng ở mức dễ chịu, không nịt bụng liên tục và tháo đai trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên chăm chỉ luyện những bài tập bụng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đây mới là cách giảm cân an toàn, hiệu quả nhất.