Sai phạm tài chính lên đến 59 tỷ đồng ở Hải Phòng

Admin
Đây là con số được Thanh tra chính phủ chỉ ra sau quá trình thanh tra loạt dự án trên địa bàn Thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010 - 2017.

"Sai phạm" la liệt

Ngày 5/12, Thanh tra chính phủ (TTCP) đã ban hành thông báo kết luận thanh tra số 2148-TB/TTCP (TB 2148) về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của thành phố Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010 – 2017. Bên cạnh một số những kết quả tốt, vẫn còn hàng loạt những thiếu sót đã được TTCP điểm mặt.

Theo TTCP, trong giai đoạn 2010 đến 2017, Hải Phòng được Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ các chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ.

Công tác phân bổ vốn đầu tư được UBND TP Hải Phòng chủ động ưu tiên phân bổ cho lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế, xây dựng trụ sở, an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của TP Hải Phòng giai đoạn trên còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Các tồn tại này tập trung ở các lĩnh vực như:

Quy hoạch và chủ trương đầu tư; phân bổ vốn đầu tư và tình hình nợ đọng xây dựng; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình; đấu thầu; nghiệm thu thanh toán…

Theo thông báo kết luận của TTCP, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch giai đoạn trên của TP Hải Phòng còn bất cập, hạn chế. Quá trình thực hiện quy hoạch không phù hợp, một số quy hoạch bị chồng chéo, không kết nối được khi thực hiện. Do vậy, đã phải điều chỉnh quy hoạch, chậm tiến độ các dự án đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp.

Đáng chú ý như dự án Đê biển Nam Đình Vũ được phê duyêt năm 2011, hiện đang phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Một dự án khác được nhắc tên là Đường trục chính Tây Nam khu công nghiệp Đình Vũ, phê duyệt năm 2011, 2012 phải điều chỉnh do không phù hợp với quy hoạch chung mạng lưới giao thông khu vực.

Trách nhiệm này, TTCP chỉ rõ thuộc về Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, UBND TP Hải Phòng.

Trong việc phân bổ vốn đầu tư và tình hình nợ đọng xây dựng, giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 việc phân bố vốn đầu tư chưa tập trung, còn dản trải dẫn đến nhiều dự án không bố trí được kế hoạch vốn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí vốn đầu tư.

 Dự án cải tạo 2,2km đường 356 (từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, Q.Hải An, TP Hải Phòng) bị đội vốn gần 1.000 tỉ đồng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Hàng loạt dự án được nhắc tên như Dự án Đê tả Lạch Tray, Dự án cải tạo nâng cấp đường 356, Dự án Đê biển Bạch Đằng.

Cùng với đó, việc xác định cơ cấu nguồn vốn không có cơ sở thực hiện như vốn Trung ương, vốn của địa phương và nguồn vốn khác dẫn đến thực hiện dự án không khả thi, mất cân đối, dự án kéo dài.

Trách nhiệm này thuộc UBND TP Hải Phòng, Sở Kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng và các chủ đầu tư như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND quận Hải An, Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư và phát triển đô thị 1…

Cũng theo TTCP, trong công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại TP Hải Phòng cũng có nhiều vấn đề tồn tại, bất cập. Việc chậm tiến độ của các dự án từ 3 đến 8 năm, hiệu quả đầu tư thấp gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Về chất lượng thiết kế và lập tổng mức đầu tư, công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư còn hạn chế, chưa nghiên cứu tổng thể, đồng bộ, thiếu chính xác.

Với một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện. Việc phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư cơ bản tăng chi phí đầu tư từ 40% đến 100%.

Ngoài ra, công tác thẩm định cho thấy một số dự án thiết kế cơ sở chưa đầy đủ, không tổng thể, chưa đảm bảo cơ sở để thẩm định. Trách nhiệm của những tồn tại trên thuộc Tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư và các đơn vị chủ đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng một lần nữa được nhắc tên trong những đơn vị phải chịu trách nhiệm cho những tồn tại đó.

Những sai phạm, tồn tại này, theo TTCP, tiếp theo phải kể đến trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND TP.Hải Phòng, Sở Giao thông vận tải…

Giảm trừ 59 tỷ đồng!

Ngoài những sai phạm đã nêu trên, KLTT cũng chỉ rõ, qua thanh tra tổng sai phạm tài chính đề nghị giảm trừ là 59.171,768 triệu đồng.

Bao gồm, dự án cải tạo nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, Km0- Km2+231 (2.799,915 đồng); dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (815,885 triệu đồng); dự án kiên cố hóa và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đê tả Lạch Tray, từ An Đồng đến cầu Rào, đoạn từ K19+000 đến K23+160 và từ K24+118 đến K26+130 (2.473,463 triệu đồng); dự án củng cố nâng cấp đê biển Bạch Đằng (1.376,201 triệu đồng);

Dự án đường bao phía Đông Nam quận Hải An (7.036,693 triệu đồng); dự án tuyến đường trục chính giao thông Khu đô thị và Công nghiệp Bến Rừng (2.277,673 triệu đồng); dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ (3.633,000 triệu đồng); dự án đường Trục chính Tây Nam khu công nghiệp Đình Vũ (12.251,266 triệu đồng); dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể, Hải Phòng (4.248,259 triệu đồng); dự án xây dựng cầu Hàn (7.603,497 triệu đồng); dự án hạ tầng KĐT mới Bắc sông Cấm (4.434,013 triệu đồng); dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray – Hồ Đông (1.501,264 triệu đồng)…

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.