Liệu rằng sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, các thầy cô có thể được bố trí việc khác, xin được việc khác sau khi rơi vào diện “cắt giảm, tinh giản” hay không? Trong Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm 2018-2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến về vấn đề này.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế ở nhiều địa phương đây là vấn đề khó khăn, mâu thuẫn.“Cũng như nhiều tỉnh, Phú Thọ đã tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ… Riêng với phần biên chế, tỉnh thực hiện giảm 10% từ nay đến 2021. Phú Thọ có 24.000 giáo viên biên chế, nếu như thế thì giảm đến 2.400 giáo viên. Tuy nhiên, tỉnh lại đang thiếu giáo viên mầm non. Ở một số tỉnh như Cà Mau, ĐắkLắk như báo chí đưa tin cũng gặp tình trạng tương tự khiến việc tinh giản giáo viên gây bức xúc trong dư luận”, ông San cho biết.
Đại diện Sở GD&ĐT Kiên Giang cũng đặt câu hỏi: “Không hợp đồng lao động thì lấy giáo viên ở đâu để dạy học sinh?” và kiến nghị, nên chăng giao quyền chủ động giao biên chế cho địa phương.
Việc tinh giản biên chế giáo viên, theo tinh thần là phải đủ giáo viên, không thể máy móc cắt giảm 10% số giáo viên như một số nơi quan niệm. Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có một số địa phương để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Bà Vũ Thị Liên Oanh (GĐ Sở GD&ĐT Quảng Ninh) kiến nghị, không nên cắt giảm biên chế một cách cơ học mà cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/ lớp, số lớp/ trường. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành giáo dục, Bộ thống nhất Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế ngành giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên.
Trước các thắc mắc từ một số địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Đến bây giờ, lần đầu tiên từ nhiều chục năm qua, Bộ GD&ĐT đã nắm được tình hình giáo viên ở từng trường không chỉ ở số lượng mà về trình độ, chuyên ngành đào tạo và phân công công việc. Đây là tiến bộ ban đầu làm cơ sở để giải quyết câu chuyện biên chế. Đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ: “Nghị quyết TƯ số 19 về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt máy móc 10% biên chế giáo viên.
Nghị quyết nêu rõ sẽ thực hiện từng thời kỳ 1, từ nay đến 2021 cắt trung bình 10% biên chế, nhưng biên chế ở đây là biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Nghĩa là, Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là phải đủ giáo viên để dạy.
Việc sắp xếp lại mạng lưới các trường trên cơ sở tùy tình hình địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, gia đình. Đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày, sĩ số hợp lý, giáo viên môn nào dạy môn đó, cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản”.