Giáo dục

Sáu bước để Khung cơ cấu giáo dục quốc dân đi vào cuộc sống

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục có Văn bản gửi Thủ tướng về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là xương sống của toàn bộ hệ thống giáo dục của một quốc gia, có ảnh hưởng quyết định đến chiến lược phát triển giáo dục.

Ảnh hưởng đến mạng lưới các cơ sở giáo dục, đến hệ thống các văn bằng chứng chỉ giáo dục, đến khả năng hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục, và quan trọng hơn cả, đến cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động của quốc gia.

Do vậy, khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam cần được xây dựng rất công phu, phải lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà quản lý và các chuyên gia về giáo dục, phải tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có sự tương đồng với chúng ta về thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Và trên hết, phải được ưu tiên định hướng từ những quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 29 và tại các văn kiện Đại hội Đảng 12.

Hiệp hội cho rằng, dự thảo lần thứ nhất về “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” được Bộ Giáo dục và Đào tạo (thời kỳ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) chuẩn bị trình Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tại phiên họp tháng 10/2015 có chứa đựng khá nhiều khiếm khuyết, đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 29.

gdvn co cau he thong
Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cần sớm thay đổi. Ảnh minh họa Xuân Trung

Cụ thể như sau:

Mảng “giáo dục nghề nghiệp” bị tách khỏi hệ thống giáo dục thành một “sân chơi riêng”, làm cho hệ thống giáo dục Việt Nam mất đi tính chất “mở”.

Không tạo được sự phân luồng của người học sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông.

Không phù hợp với những định chuẩn tại “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011” của UNESCO. (tách cao đẳng khỏi giáo dục đại học, không tương đương về cấp độ và trình độ).

Tạo ra cơ cấu nhân lực méo mó (thí dụ: nhập cao đẳng chuyên nghiệp với cao đẳng nghề); sẽ tác động cản trở cho mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa).

Vì những khiếm khuyết trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã không ủng hộ bản Dự thảo thứ nhất này.

Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đã cùng gửi công văn số 101/HH-VP ngày 28/10/2015 tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Sơ đồ phân luồng cho học sinh, sinh viên Việt Nam từ sau năm 2015 dựa theo tinh thần của Nghị quyết TƯ29.

Dự thảo lần thứ 2 về “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” được Bộ GD&ĐT (thời kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ) chuẩn bị trình Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tại phiên họp ngày 29/6/2016.

Dự thảo lần hai này trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý về giáo dục,… nên đã đề xuất một khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cho Việt Nam trong thời gian tới thực sự “đổi mới căn bản và toàn diện”, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29.

Trừ một vài thiếu sót nhỏ, Dự thảo lần 2 này có những ưu điểm như sau: Nội dung bám sát những quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết TƯ29.

Cụ thể: Thể hiện tính mở và liên thông của hệ thống giáo dục, không tạo ra những “sân chơi riêng” dẫn tới sự cát cứ của các “cơ quan quản lý nhà nước” khác nhau, làm cho hệ thống giáo dục bị méo mó, phát triển thiếu hài hòa, “mạnh ai nấy làm”.

Tạo ra sự phân luồng rõ ràng sau trung học cơ sở (luồng trung học phổ thông và luồng trung học nghề) và sau trung học (hướng hàn lâm và hướng chuyên nghiệp).

Phù hợp với thông lệ quốc tế tại “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED 2011” của UNESCO (hệ thống giáo dục được sắp xếp theo bậc giáo dục để đảm bảo sự liên thông, trả cao đẳng về bậc giáo dục sau trung học hay giáo dục đại học, không xem giáo dục nghề nghiệp là một bậc học,…).

Tạo ra cơ cấu nhân lực đa dạng về trình độ và về định hướng ngghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tạo cơ sở thuận lợi để quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vì những ưu điểm như trên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về cơ bản ủng hộ Dự thảo lần 2 về “ Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”.

Xu hướng chung là thừa nhận những ưu việt rõ ràng ở Dự thảo lần 2. Điều băn khoăn của một số người, một số tổ chức chỉ ở chỗ: phải chăng nếu không bám sát nội dung của các văn bản pháp quy (đặc biệt là các Luật giáo dục, Luật giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp) mà khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lại chỉ được ban hành dưới dạng một quyết định của Thủ tướng thì như vậy liệu có “vi hiến”, “vi phạm luật” hay không.

Theo Hiệp hội, hiện tại ta đang có sự thiếu hợp lý trong trình tự chuẩn bị văn bản pháp quy khiến mọi người rất khó góp ý kiến cho dự thảo về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Một văn bản về “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” muốn đi được vào cuộc sống thì phải được chuẩn bị theo trình tự qua 6 bước:

Thứ nhất, định hướng cơ bản cho toàn hệ thống giáo dục (Thí dụ: nghị quyết TƯ 29 chẳng hạn).

Thứ hai, các nghị quyết cụ thể của Chính phủ liên quan tới đổi mới hệ thống giáo dục tổng thể (Thí dụ: Nghị quyết 14 của Cính Phủ chẳng hạn).

Thứ ba, thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục tổng thể để điều chỉnh Luật Giáo dục.
Thứ bốn, ban hành Luật Giáo dục sửa đổi (tổng thể).

Thứ năm, thiết kế các hệ thống giáo dục con để ban hành hoặc điều chỉnh các Luật (hay Đạo luật) cho các hệ thống giáo dục con (Đại học, Phổ thông, Dạy nghề,…).

Thứ sáu, ban hành hoặc điều chỉnh các Luật (hay Đạo luật) cho từng hệ thống giáo dục con (hay phân hệ giáo dục).

Thực tế Việt Nam hiện nay trình tự ban hành các văn bản pháp quy về giáo dục còn khá lộn xộn. Theo Hiệp hội, sự lộn xộn này thể hiện ở:

Luật Giáo dục đại học và đặc biệt, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã sửa lại cơ cấu hệ thống giáo dục tổng thể vốn đã được xác lập tại Luật Giáo dục. Lý ra nếu thấy cần chỉnh sửa lại hệ thồng giáo dục cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết TƯ 29 thì trước hết phải sửa lại chính Luật giáo dục.

Bản thân các luật về Giáo dục còn chưa chuẩn, có nhiều chỗ cần sửa ngay (vì không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết TƯ 29.

Cụ thể: không hội nhập quốc tế, không mang tính mở , không tạo ra cơ chế phân luồng mạnh sau trung học cơ sở,…) mà lại lấy những luật này để áp đặt cho Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì làm sao có thể mong có được một hệ thống giáo dục quốc dân đổi mới căn bản, toàn diện. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của toàn hệ thống.

Từ những ý kiến và quan điểm trên, Hiệp hội đề nghị trước mắt Chính Phủ nên sớm công nhận Dự thảo lần 2 của Bộ GD&ĐT và ban hành ngay Nghị quyết Đổi mới Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để có căn cứ trình Quốc hội sửa lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, trước hết ở Luật Giáo dục.

Tiếp theo cần chỉnh sửa tiếp nội dung ở các Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sau đó là ở tất cả các văn bản dưới luật khác cho phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới đã được xác lập tại Luật Giáo dục sửa đổi.

Tác giả bài viết: Xuân Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP