Sự thật chuyện "uống nước dừa gây khô máu não" và những lưu ý quan trọng để không gây hại cho sức khỏe

Thành Trịnh
Có rất nhiều tin đồn xung quanh nước dừa. Một trong số đó là thông tin "uống nhiều nước dừa sẽ gây ra tình trạng khô máu não", liệu thông tin này có chính xác hay không?

Nước dừa được đánh giá là một "thức uống thần thánh" đối với cơ thể. Vào mùa hè, nước dừa càng được sử dụng nhiều hơn vì chúng giúp giải khát, thanh nhiệt mà còn tăng cường hoạt động trao đổi chất, có lợi cho việc giảm cân.

Tuy nhiên, có rất nhiều tin đồn xung quanh nước dừa. Một trong số đó là thông tin "uống nhiều nước dừa sẽ gây ra tình trạng khô máu não". Điều này khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Vậy liệu thông tin này có chính xác hay không?

Theo ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng): "Đây là thông tin không chính xác. Không hề có một loại thực phẩm nào có thể gây khô máu não và tôi cũng chưa thấy bệnh lý nào dẫn dến khô máu não cả. Do đó mọi người có thể yên tâm sử dụng nước dừa, nhưng cần lưu ý một số điều khi sử dụng thức uống này".

Những lưu ý quan trọng khi tiêu thụ nước dừa để không gây hại cho sức khỏe

uong-nuoc-dua-1-1715054438.PNG

Thời điểm tốt nhất để uống nước dừa là vào buổi sáng.

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Trong Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu, giải khát tự nhiên, không chứa chất béo…

Ngoài ra, nước dừa chứa nhiều chất bổ dưỡng, có thể hỗ trợ trong việc chữa trị các bệnh như sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ và đau dạ dày. Đặc biệt, trong môi trường vô khuẩn, nước dừa có thể được sử dụng thay cho dung dịch truyền và được pha chế vào các loại thuốc.

Nhờ vào những tính chất đặc biệt này, nước dừa không chỉ là một thức uống phổ biến mà còn là một biện pháp tự nhiên hữu ích trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe.

Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi uống nước dừa.

1. Không nên uống nước dừa ngay khi vừa đi nắng về

Những người mới đi nắng về không nên giải khát bằng nước dừa vì có thể gây ra cảm giác "bị say". Triệu chứng thường gặp là ớn lạnh, đầy bụng, hâm hấp sốt, thậm chí sốt cao.

Ngoài ra, vận động viên đang thi đấu thể thao hoặc người lao động chân tay cũng cần tránh sử dụng nước dừa ngay vì sẽ khiến chân tay bị bủn rủn, giảm sức dẻo dai.

uong-nuoc-dua-2-1715054439.PNG

Bạn nên nhớ không uống nhiều hơn 3-4 trái một ngày hoặc uống liên tục trong nhiều ngày.

2. Bị cảm lạnh không nên uống nước dừa

Bệnh nhân đang bị cảm lạnh, hen suyễn kèm các triệu chứng ớn lạnh, đau đầu, nghẹt mũi… thì hạn chế uống nước dừa vì tính làm mát, giải nhiệt của dừa sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

3. Phụ nữ "đến tháng" không nên uống nước dừa

Phụ nữ "đến tháng" thì tử cung phụ nữ cần cảm giác ấm áp để giảm bớt sự khó chịu, trong khi đó nước dừa lại đem về cảm giác mát lạnh, không phù hợp để uống trong thời điểm này.

4. Không nên uống nước dừa quá nhiều

Uống quá nhiều nước dừa sẽ gây ra tình trạng tăng kali máu, gây mất cân bằng điện giải, từ đó dẫn đến suy nhược, choáng váng và mất ý thức. Mặc dù lượng đường này không nhiều như trong các loại đồ uống hay sinh tố trái cây khác nhưng chúng vẫn chứa một lượng không nhỏ carbohydrate, có thể gây ra tình trạng dư thừa calo.

Lưu ý khi sử dụng nước dừa

Thời điểm tốt nhất để uống nước dừa là vào buổi sáng.

Bạn nên nhớ không uống nhiều hơn 3-4 trái một ngày hoặc uống liên tục trong nhiều ngày. Uống nước dừa cần tránh pha thêm đường, đá và các hóa chất khác.

Bệnh nhân tiểu đường, người mắc bệnh thận, người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, người bệnh trĩ, huyết áp thấp, cảm lạnh... thì cần tránh uống nhiều nước dừa.