"Trăm sự nhờ thầy" thời nay khác xa thời xưa nhiều quá…
Tại tọa đàm “Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 11/11, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với người thầy được thẳn thắn đề cập.
Bên cạnh vấn đề nổi cộm về đãi ngộ đối với nhà giáo chưa xứng đáng thì câu chuyện áp lực, rủi ro “trăm bề” của giáo viên thời hiện đại được nhắc đến nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh, nhà giáo bây giờ phải chịu rất nhiều áp lực: áp lực từ yêu cầu đổi mới, khối lượng công việc lớn, ứng phó với thanh kiểm tra….
Đặc biệt, một vấn đề áp lực nữa là yêu cầu đòi hỏi quá cao, rất cao và rất chính đáng của xã hội đối với nhà giáo.
Theo bà Hoa, phụ huynh đưa con đến trường đều “trăm sự nhờ thầy” nhưng “trăm sự nhờ thầy” của ngày hôm nay và câu nói “không thầy đố mày làm nên” khác nhau rất xa.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnamnet) |
“Ngày xưa, không thầy đố mày làm nên - người thầy được toàn quyền về việc tạo ra sản phẩm, có thể răn dạy học sinh theo cách của thầy mà phụ huynh không can thiệp vào. Bây giờ, sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh đối với nhà trường rất tốt, rất tích cực, đóng góp rất nhiều cho nhà trường nhưng bên cạnh ấy, sự giám sát của phụ huynh đối với người thầy là áp lực không nhỏ. Có thể cách đây 10 năm, việc thầy cô đánh vài thước kẻ đối với học trò, tôi không cổ xúy chuyện này, nhưng trước đây không phải là vấn đề, bây giờ chỉ cần đăng lên các trang báo, dư luận sục sôi lên và lên án”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích.
Đồng tình quan điểm, GS-TS. Đinh Quang Báo nhấn mạnh: Thông tin đến nhiều chiều, thầy giáo gặp rất nhiều rủi ro, diễn ra thường xuyên và đa dạng. Đôi khi chỉ một động tác nhẹ của nhà giáo đối với con em học sinh cũng bị cho là bạo hành học đường, thầy giáo có khi mất việc với những tình huống vô cùng đa dạng.
“Làm giáo viên bây giờ rất rủi ro, rủi ro hơn cả tham gia giao thông... Đôi khi dạy xong một buổi mới biết mình an toàn”, ông Báo bình luận.
Là một giáo viên đang công tác tại Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy dẫn chứng, đơngiản như có video clip về học sinh đánh nhau trên mạng, lập tức nhiều người sẽ đặt câu hỏi là học sinh học đó học trường nào, thầy cô nào.
“Mà nhiều người không nghĩ rằng, học sinh không chỉ là sản phẩm giáo dục của một mình giáo viên, một mình nhà trường mà là sản phẩm giáo dục của từng gia đình và cả xã hội”, cô Thủy chia sẻ.
Nhà giáo cũng cần đảm bảo nhu cầu an toàn
Theo PGS- TS. Hoàng Văn Cường, muốn nhà giáo phát huy tốt vai trò của mình, trước tiên cần đảm bảo nhu cầu của họ.
Cụ thể, trong lý thuyết tạo động lực người ta hay nhắc đến tháp nhu cầu của Maslow trong đó nhắc đến năm nhu cầu mà con người nào cũng có. Đó là nhu cầu về sinh học, yêu cầu để tồn tại. Nhu cầu thứ hai là về an toàn. Nhu cầu thứ ba là về xã hội. Nhu cầu thứ tư là nhu cầu thăng tiến và địa vị trong xã hội và nhu cầu thứ 5 là cống hiến. Bất kể con người nào cũng cần có nhu cầu này. Tuy nhiên ở mỗi một lĩnh vực, mỗi một nghề nghiệp, mỗi một vị trí nhu cầu sẽ ở mức khác nhau. Nhưng đối với giáo viên những nhu cầu này luôn ở mức cân bằng. Chính vì vậy, trước tiên phải có thay đổi chính sách về tiền lương để đảm bảo nhu cầu tồn tại của nhà giáo.
Đặc biệt, nhà giáo thời hiện đại càng cần đảm bảo nhu cầu an toàn. Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, an toàn ở đây không chỉ là vấn đề về thân thể mà còn an toàn về nghề nghiệp. Để giáo viên yên tâm cống hiến phải có nghề nghiệp ổn định và giảm thiểu các rủi ro không đáng có từ ảnh hưởng của mạng xã hội, phụ huynh học sinh.
GS-TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnamnet) |
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa trăn trở: “Bây giờ sự tôn vinh đối với người thầy có thật sự là tôn vinh không, sự cao quý của người thầy có thật sự là cao quý không khi mà người thầy lên lớp có những e ngại, né tránh… và dạy cho hết giờ để ra chứ không hoàn toàn đặt hết tâm huyết?
Tôi không phủ nhận người thầy trong bất cứ hoàn cảnh nào phải đặt tâm huyết vào bài giảng, giờ dạy nhưng rõ ràng không phải hoàn toàn tâm huyết như cách mà người thầy 10 năm trở về trước. Và tôi nghĩ rằng đây là một thách thức rất lớn. Phải giúp cho người thầy làm sao tháo gỡ được thách thức này, trả người thầy về đúng vị trí của họ, đặt vào đúng tâm thế của họ, giúp cho người thầy có môi trường làm việc an lành nhất, tốt nhất để xứng đáng là những người dẫn dắt tâm hồn như chúng ta mong đợi ở người thầy”.
Giáo viên phải được thỏa sức sáng tạo
Nói về giải pháp để nhà giáo phát huy vai trò, vị thế của mình, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy (tỉnh Nam Định) quan điểm, xã hội phải cho nhà giáo “đất” sáng tạo.
“Tôi nghĩ là chúng ta chỉ cần đặt hàng cho giáo viên sẽ phải tạo ra những sản phẩm là những con người đạt yêu cầu cơ bản nào đó thôi, không nên đặt ra cái cụ thể quá như trong thời lượng này thì bắt buộc phải thế này, thế kia. Chúng ta áp đặt vào từng bài, từng tiết sẽ khiến giáo viên không cảm thấy thoải mái và họ sẽ không tạo ra được chất lượng sản phẩm như mong muốn của xã hội”.
Theo TS. Hoàng Đức Minh (Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo), người quản lý trong các cơ sở giáo dục, các đơn vị thực thi phải tạo môi trường cho giáo viên thực sự được dân chủ, được sáng tạo, được thực hiện vai trò của mình.
GS-TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Vietnamnet) |
GS-TS. Đinh Quang Báo cho rằng, bên cạnh đó, giáo viên phải là những người hoạch định chính sách. Giáo viên phải có vai trò chủ động trong hoàn thiện chính sách. Chính họ là người đề xuất và điều chỉnh về sự đổi mới trong giáo dục.
Theo ông Báo, giáo viên hiện nay đang bị động. Họ là người chịu sự tác động, phải “diễn theo những kịch bản có sẵn”. Như vậy sẽ hạn chế sự sáng tạo, chỉ khi nào giáo viên được sáng tạo thì họ mới có thể toàn tâm toàn ý khi đứng trên bục giảng.