Giáo dục

Thị trường giáo dục Việt Nam: Vì sao đa số vào trận đều thua?

Bức tranh về lao động việc làm là hình ảnh phản chiếu trung thực nhất về thực trạng nền giáo dục đại học hiện tại.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của Ths. Trương Khắc Trà, trong bài viết này, tác giả thẳng thắn nhìn nhận về thị trường giáo dục Việt Nam hiện nay thông qua con số về tỷ lệ việc làm của cử nhân đại học, sau đại học và con số du học sinh ra nước ngoài học tập mà nhiều em không muốn trở về.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm này.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, giáo dục hiện đại cũng (cần) được coi là một ngành kinh tế - đó là ngành kinh tế dịch vụ đặc thù nhằm cung cấp nhu cầu học tập và phát triển cho con người. Vậy nên cũng sẽ có thị trường giáo dục.

Trong chương trình “Đối thoại chính sách” của Đài Truyền hình Việt Nam, PGS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana - Mỹ) cho rằng: “Giáo dục đại học thực sự là một thị trường”.

Còn theo ông Thomas Vallely sáng lập viên chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright Việt Nam “Việt Nam có thị trường giáo dục rất lớn”.

Đây là quan điểm hiện đại và đặc biệt nó được mang đến từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới.

gddh
Thị trường giáo dục Việt Nam: Bao giờ hết bỏ ngỏ? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên tư duy coi giáo dục là ngành kinh tế ở Việt Nam còn khá mới mẻ, phần vì ảnh hưởng bởi tư duy bao cấp phần vì ý thức hệ giáo dục Nho giáo còn ảnh hưởng nặng nề.

Hiển nhiên, khái niệm thị trường giáo dục không phải là tư duy buôn bán trao đổi mọi thứ thuộc về giáo dục mà là xét giáo dục trên khía cạnh một ngành kinh tế dịch vụ để từ đó có cái nhìn đúng đắn hợp xu thế trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Ở đâu đó trong xã hội người ta vẫn “dị ứng” với quan điểm coi giáo dục là thị trường vì cho rằng đã là thị trường thì giáo dục sẽ được mua qua bán lại như mọi loại hàng hóa thông thường.

Tuyệt nhiên không phải như vậy vì hàng hóa sản phẩm giáo dục chính là con người, là một loại hàng hóa đặc biệt nên cũng khác hẳn hoàn toàn so với cách vận hành của hàng hóa thông thường.

Hơn nữa, giáo dục có những sứ mệnh và lý tưởng cao xa hơn thị trường kinh tế, vì những điều như vậy, chúng ta không thể sử dụng cùng những logic trong việc trao đổi hàng hóa trên thị trường kinh tế để bàn luận về giáo dục.

Cũng chính vì định kiến không đáng có ấy nên sản phẩm dịch vụ giáo dục của nước ta chủ yếu được cung cấp bởi bao cấp nhà nước toàn diện, bằng chứng là hệ thống đại học công lập luôn áp đảo so với đại học tư thục về cả lượng lẫn chất.

Chúng ta chưa thực sự coi lĩnh vực giáo dục có tồn tại một không gian thị trường mang bản chất của kinh tế thị trường đúng nghĩa, bởi ngành kinh tế giáo dục cũng chịu tác động của các quy luật kinh tế như: cung - cầu, cạnh tranh, giá trị, chịu sự điều tiết của nhà nước…

Và hệ quả là thị trường giáo dục trong nước đang bị bỏ ngỏ, mặc sức cho các nhà đầu tư ngoại quốc tung hoành.

Hơn nữa, tự chủ đại học là xu thế chung của thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc chơi, khi đại học được tự chủ tính thị trường của giáo dục sẽ biểu hiện rõ hơn, trường nào không năng động, không bắt nhịp với yêu cầu của thị trường lao động sẽ bị đào thải.

Mỗi năm người Việt chi khoảng 3 tỷ đô la cho du học nước ngoài, con số tuy không quá lớn nhưng vấn đề là tăng nhanh qua từng năm, Việt Nam cũng là quốc gia luôn ở tốp đầu về số lượng du học sinh tại các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Singapore, con số đáng tự hào nhưng cũng đáng lo ngại.

Theo khảo sát mới đây của mạng giáo dục Easy Uni, có đến 59 % người trẻ có xu hướng ra nước ngoài học tập, chỉ có 41% chọn giáo dục trong nước, đáng nói hơn là trong số chọn học trong nước thì có đến 80% chọn sẽ ra nước ngoài nếu có cơ hội, những con số thống kê cho thấy rằng sản phẩm giáo dục nước ngoài vẫn áp đảo trong nước về chất lượng và uy tín.

Ngày càng nhiều các hệ thống giáo dục tư có vốn đầu tư nước ngoài mọc lên tại Việt Nam, không những giáo dục bậc cao mà cả giáo dục cơ bản, nền tảng từ tiểu học, trung học.

Đây là xu hướng có lợi nhưng không phải không có mặt trái, đó là làm mất thị trường giáo dục trong nước và những chi phí học hành tại các ngôi trường này đương nhiên chảy ra nước ngoài.

Nghịch lý là trong khi các đại học ngoại được chào đón nồng nhiệt thì không ít trường trong nước đang chết dần chết mòn vì không có nguồn đầu vào.

Đây không đơn giản chỉ là hợp tác giáo dục đơn thuần mà nhìn dưới góc độ kinh tế thì thị trường giáo dục nội địa đang phơi cờ trắng trước nhà đầu tư nước ngoài và ngày càng có nhiều phụ huynh và học sinh chọn các trường quốc tế cho dù học phí đắt đỏ.

Vấn đề là Việt Nam không thiếu các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nhưng tại sao rất ít nhà đầu tư thành công?

Bằng chứng là đa số các trường tư nhân đều gặp khó khăn trong những năm gần đây, thậm chí còn xảy ra kiện cáo lùm xùm làm mất uy tín của ngành giáo dục.

Mấu chốt ở đây chính là chất lượng sản phẩm, không giống như các ngành kinh tế khác sản phẩm của ngành giáo dục chính là con người và kỹ năng mà giáo dục cung cấp.

Nguyên lý đơn giản: Nếu sản phẩm chất lượng thấp sẽ khó cạnh tranh với những sản phẩm chất lượng cao.

Bản chất của vấn đề chính là chất lượng giáo dục nước ta cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hiện có hơn 225.000 thạc sỹ và cử nhân thất nghiệp, tấm bằng cử nhân chưa bao giờ rẻ như hiện nay.

Bức tranh về lao động việc làm là hình ảnh phản chiếu trung thực nhất về thực trạng nền giáo dục đại học hiện tại.

Vì sản phẩm của ngành giáo dục mang tính đặc thù nên thị trường giáo dục cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng có, không làm chủ được thị trường giáo dục trong nước một mặt làm thất thoát chi phí học tập ra nước ngoài, mà con số 3 tỷ USD mỗi năm là minh chứng.

Với các nước phát triển như Úc, mỗi năm họ thu về 17 tỷ USD từ du học sinh và chắc chắn có dòng tiền chảy từ Việt Nam sang.

Mặt khác gây tình trạng chảy máu chất xám, dư luận đã từng giật mình bởi có 13 quán quân của chương trình Đường lên đỉnh Olympia ra nước ngoài học tập thì 12 người không trở về và hàng ngày hàng giờ người Việt vẫn đem sức lực trí tuệ cống hiến cho xứ người.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng muốn ra nước ngoài học tập và rồi không muốn trở về phục vụ quê hương? Đây là vấn đề mà các nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục không thể không lưu tâm.

Bởi một đất nước hơn 90 triệu dân có truyền thống hiếu học sẽ là thị trường giáo dục màu mỡ cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Và vấn đề không đơn giản chỉ là tiền và thất thoát nguyên khí quốc gia mà còn là bài toán phát triển bền vững dựa vào nội lực của người Việt.

Tác giả bài viết: Ths Trương Khắc Trà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP