Tính đến nay, khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) đã giải phóng mặt bằng hơn 99%. 15.000 hộ dân đã di dời. Gần 30.000 tỉ đồng là số tiền để bồi thường tái định cư. Hiện vẫn còn hơn 60 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa…
Ba mấu chốt cần làm rõ
Phóng viên Báo Người Lao Động đã quay lại KĐTMTT để tìm hiểu câu chuyện khiếu nại đất đai tại nơi này nhiều năm qua. Bà Phạm Thị Vinh (62 tuổi) - ngụ tại B3/3B Lương Định Của, khu phố 1, phường Bình An, quận 2 - cho biết gia đình bà ở đây từ nhiều đời nay. Khi khu vực này được TP quy hoạch để xây dựng KĐTMTT, những căn nhà của gia đình bà nằm trong ranh giới quy hoạch đều đã bị giải tỏa. Còn căn nhà mà hiện tại bà đang ở không nằm trong ranh giới cho nên gia đình không đồng ý di dời.
Dù việc triển khai quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được 22 năm nhưng vẫn còn khoảng 60 hộ dân khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc thu hồi đất, chính sách đền bù ở khu đô thị nàyẢnh: HOÀNG TRIỀU |
Bà kể trước đây, lãnh đạo UBND quận 2 và TP cũng đã nhiều lần làm việc với gia đình bà. Tuy nhiên, phía quận và TP cũng không cung cấp được cho gia đình bà về bản đồ quy hoạch chứng minh căn nhà nằm trong ranh giới của dự án. Ngược lại, gia đình bà có đầy đủ các giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà. Vì vậy, TP phải tái định cư tại chỗ cho gia đình bà. Ngoài ra, căn nhà mà gia đình bà đang sinh sống hiện đang xuống cấp do nhiều lần bị cưỡng chế, đập bỏ.
"TP phải hỗ trợ cho gia đình một khoản tiền để sửa chữa và xây dựng nhà, tiếp tục sinh sống. Hiện nay tôi đang bị liệt cả hai chân, không thể đi lại, mọi việc rất khó khăn nên mong chính quyền TP sẽ giải quyết thấu tình đạt lý cho gia đình tôi" - bà Vinh nói.
Tương tự, bà Lê Thị Nga (72 tuổi) thông tin nhà của bà nằm ngoài ranh giới của KĐTMTT thì phải để cho nhà bà tiếp tục tồn tại. Theo bà Nga, quyết định thu hồi đất năm 1997 của UBND TP dựa trên Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT. Như vậy, nếu nhà, đất của dân không nằm trong ranh quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ thì cũng không nằm trong quyết định của UBND TP HCM. Do đó, tại sao UBND TP không lấy Quyết định 367 làm cơ sở để giải quyết vụ việc mà lại lấy quyết định thu hồi đất năm 1997 và buộc người dân phải giao nhà, đất để xây dựng KĐTMTT.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Giáp (78 tuổi) - ngụ tại B3/15 Bis Lương Định Của, tổ 1, khu phố 1, phường Bình An, quận 2 cũng cho rằng nguyện vọng của gia đình bà là nếu đền bù thỏa đáng thì đi, còn nếu đền bù không thỏa đáng thì xin được nâng cấp nhà để ở, sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nếu tái định cư thì phải ngay tại dự án 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 mới đồng ý. Bà cho hay cách đây mấy ngày, lãnh đạo quận 2 có tới lấy ý kiến, nguyện vọng của gia đình song đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Bà Lê Thị Ngọc Nga (phường Bình Khánh) thì khiếu nại 10 năm trước, UBND quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất mà chỉ căn cứ vào quyết định nội bộ của UBND TP HCM để thu hồi là không đúng pháp luật.
Nhiều lần đối thoại nhưng bất thành
Liên quan đến khiếu nại về ranh đất, ngày 4-8-2009, Văn phòng UBND TP HCM đã phát đi một thông báo nội dung kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với đại diện nhân dân 5 phường (Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và An Khánh) về liên quan chủ trương, quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư KĐTMTT, quận 2. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín đã chủ trì hội nghị lãnh đạo TP tiếp xúc, đối thoại với đại diện nhân dân 5 phường thuộc KĐTMTT.
Về vấn đề liên quan chủ trương, pháp lý quy hoạch (các quyết định phê duyệt quy hoạch và bản đồ kèm theo) xây dựng KĐTMTT, theo UBND, trước Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ, KĐTMTT được nghiên cứu với nhiều quy mô và diện tích khác nhau qua các thời kỳ (không có bản đồ đo đạc địa chính chính xác). Cụ thể, theo bản đồ mặt bằng tổng thể (1/5.000) khu trung tâm TP mới - Thủ Thiêm, do Viện Quy hoạch - Xây dựng lập tháng 7-1992, phạm vi lập quy hoạch gồm cả khu phố 1, phường Bình An hiện nay nhưng không xác định rõ diện tích lập quy hoạch.
Còn theo Quyết định số 785 ngày 10-2-1995 của UBND TP về phê duyệt quy hoạch chung huyện Thủ Đức (cũ), xác định khu trung tâm mới của TP diện tích đất 650 ha phát triển tại khu vực xã Thủ Thiêm và xã An Khánh (nay thuộc phạm vi 5 phường của quận 2 là Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh, Bình An và Bình Khánh).
Theo hồ sơ lưu, không rõ số lượng các bản đồ kèm theo Tờ trình số 1861 của UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ tìm được 2 bản đồ quy hoạch tương ứng thời điểm đó. Đó là bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng (1/5.000) lập ngày 12-6-1995 đóng dấu Công ty Dịch vụ Phát triển Đô thị (UDESCO), Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng TP, trong đó xác định phạm vi lập quy hoạch của KĐTMTT bao gồm một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay. Tuy nhiên, không xác định chi tiết quy hoạch ô phố này và cũng không xác định ranh chính xác của KĐTMTT.
Kế tiếp, ngày 16-9-1998, Kiến trúc sư trưởng TP có Quyết định số 13585 về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 KĐTMTT, trong đó đã xác định vị trí giới hạn phạm vi quy hoạch, với tổng diện tích 748 ha, gồm diện tích đất là 618 ha; diện tích mặt nước sông Sài Gòn là 130 ha. Ranh giới, diện tích KĐTMTT theo Quyết định số 13585 có sự thay đổi ở phía Bắc thuộc phường Bình An so với bản đồ quy hoạch sử dụng đất (1/5.000) do Công ty UDESCO lập ngày 20-11-1995, cụ thể là giảm diện tích khoảng 22 ha. Lý do giảm: Trừ ra khoảng 23,3 ha đất thuộc 5 dự án (đã được giao đất hoặc được chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc đang bị kê biên để thi hành án), đất giao thông và đất trống xen kẽ. Giảm khoảng 3 ha diện tích mặt nước sông Sài Gòn. Cộng thêm vào ranh KĐTMTT khoảng 4,3 ha đất thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay.
Từ những lập luận trên, UBND TP khẳng định khu phố 1, phường Bình An nằm trong ranh thu hồi đất của KĐTMTT.
Về ý kiến tại sao không ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng hộ dân, UBND TP cho rằng việc thu hồi đất để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư xây dựng KĐTMTT áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 và năm 2001, các luật này không có quy định phải ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng thửa đất do hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng. Từ đây, UBND TP tiếp tục khẳng định tính pháp lý về quy hoạch, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là phù hợp với quy định của pháp luật.
Kết luận giải quyết khiếu nại, khiếu kiện trên của UBND TP xem ra không được người dân chấp nhận vì nó chưa thuyết phục, nhất là việc thất lạc bản đồ 1/5.000 đi kèm Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ nên hàng chục hộ dân tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Đến giữa năm 2016, đích thân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tiếp xúc với những hộ dân khiếu nại ở Thủ Thiêm nhằm tháo gỡ câu chuyện khiếu nại kéo dài hàng chục năm ở đây. Tại buổi tiếp, một lần nữa, người dân đòi TP phải đưa ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 để xác định ranh quy hoạch.
Trả lời người dân, Chủ tịch UBND TP nói: "UBND TP đã chủ động có nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 để nhờ các cơ quan này hỗ trợ cung cấp bản đồ. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ lẫn Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 có văn bản trả lời là hồ sơ lưu trữ theo Quyết định 367 là không có bản đồ kèm theo". Cũng như lần trước, ở lần giải quyết này cũng không đem lại kết quả khả quan. Và như thế chuyện khiếu kiện, khiếu nại ở Thủ Thiêm vẫn tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày nay.