Dơi có thể lây truyền virus bệnh dại sang người (Ảnh minh họa: CBS). |
Theo hãng tin NBC, một người đàn ông khoảng 80 tuổi ở hạt Lake, bang Illinois của Mỹ đã phát hiện một con dơi đậu trên cổ mình khi thức dậy vào một ngày giữa tháng 8. Con dơi sau đó được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh dại.
Tuy nhiên, người đàn ông đã từ chối tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại và điều trị sau phơi nhiễm, cơ quan y tế Illinois cho biết.
Chỉ một tháng sau, người đàn ông này bắt đầu có các triệu chứng của bệnh dại, đau cổ, khó điều khiển cánh tay, tê ngón tay, khó nói và tử vong không lâu sau đó. Các chuyên gia về động vật hoang dã đã tìm thấy một đàn dơi trong nhà của người đàn ông.
Đây là trường hợp mắc bệnh dại ở người đầu tiên ở bang Illinois kể từ năm 1954. Mỗi năm, Mỹ chỉ ghi nhận khoảng 1-3 trường hợp mắc bệnh dại ở người, nhưng ước tính có đến 60.000 người Mỹ tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau phơi nhiễm hàng năm.
Virus bệnh dại lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, bao gồm cả qua nước bọt hoặc mô thần kinh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo, virus bệnh dại tấn công vào hệ thần kinh trung ương, gây ra bệnh não, nếu người bệnh không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
"Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh. Tuy nhiên, vẫn có phương pháp điều trị cứu sống những người nhanh chóng tìm đến sự can thiệp của y tế sau khi tiếp xúc với động vật mắc bệnh dại. Bất cứ khi nào cho rằng bạn có thể đã phơi nhiễm với virus bệnh dại, hãy lập tức nhờ đến sự can thiệp của y tế", Ngozi Ezike, một quan chức y tế Illinois, cho biết.
Quan chức trên cũng hy vọng rằng, trường hợp đáng tiếc của người đàn ông ở Illinois sẽ nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hiểm của bệnh dại.
Giới chức Illinois cảnh báo, mọi người có thể nhận thức được khi bị dơi cắn nhưng răng của dơi rất nhỏ nên rất khó nhận biết vết cắn. Theo các chuyên gia, hầu hết loài dơi không có bệnh dơi, nhưng trong trường hợp tiếp xúc gần với dơi, mọi người nên giữ lại để xét nghiệm cá thể dơi đó có nhiễm bệnh và có thể lây truyền virus bệnh dại hay không. Nếu không thể xét nghiệm, cách an toàn nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi phơi nhiễm.
Ở Mỹ, các ca tử vong do bệnh dại ở người chủ yếu do lây nhiễm từ dơi, song con người cũng có thể lây nhiễm bệnh dại khi bị các động vật nhiễm bệnh khác như chó, gấu trúc, chồn hôi hoặc cáo cắn hoặc cào.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, bệnh dại gây tỷ lệ tử vong nhiều nhất ở châu Á và châu Phi và nguồn lây nhiễm chủ yếu là chó.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí