Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý? (Kỳ 2): “Thủ phủ” thịt lợn chết

Lợi Trần
Vào vai người thu mua lợn chết bán cho các ông bà trùm chứa trong kho cả chục tấn thịt lẽ ra phải đem chôn, chúng tôi “ngã ngửa” bởi một thực tế: Lợn chết được mua bán công khai. Xe tải, môtô cũ lắp thêm cái xe cải tiến nghễu nghện phía sau chở lợn chết chạy ào ào ngoài đường, giữa thanh thiên bạch nhật, không tuân thủ quy định an toàn giao thông. Cơ quan hữu trách đâu rồi nhỉ, khi lái lợn in cả danh thiếp ghi rõ “mua lợn ốm, lợn chết”, còn trước nhà thì đặt biển hiệu to ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại...

Thực phẩm bẩn - người dân đang bị “đầu độc” bởi sự vô cảm của các cơ quan quản lý?

 

Biển hiệu công khai thu mua lợn chết ở ven Quốc lộ 1A địa bàn giáp ranh Hà Nội - Bắc Ninh. Ảnh: Tâm Am


Mua cả lợn chết nổi xanh trên mặt ao

Trước khi tất tả xâm nhập chợ lợn Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội), dù chúng tôi đã được “tẩy não” bởi nhiều chủ trang trại, nhiều lái lợn và đồ tể trong giới “lợn toi, lợn ốm”, nhưng vẫn thấy “kỳ lạ”, là các lái lợn in danh thiếp ghi rành mạch rõ tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ. Có gia đình còn đặt biển to tướng ghi rõ mua lợn nái, lợn sề, lợn ốm, lợn chết. Ven quốc lộ 1A, địa bàn giáp ranh Hà Nội với tỉnh Bắc Ninh, cả loạt biển chềnh ềnh: “Thu mua lợn chết”.

Một chủ trang trại ở khu vực Ba Vì (HN) nói: “Khi có lợn chết, lẽ ra là nhân viên các trại lợn phải đem chôn, tiêu hủy theo đúng quy trình. Cắt lại cái tai lợn (với số hiệu quản lý ở đó) để tìm hiểu, xét nghiệm, xử lý vấn đề một cách khoa học. Tuy nhiên, cả chủ lẫn tớ đều biết, con lợn tạ, bán lúc nó sống được gần 5 triệu đồng, lúc nó chết bán lấy 1 triệu - thì tốt hơn hay là đem vứt bỏ thì tốt hơn? Dĩ nhiên đem bán, nếu không có ai giám sát tử tế. Và sự thật là họ đã bán”.

“Vứt ra ao hồ, sông suối làm ô nhiễm môi trường, có khi còn bị xử phạt. Đằng này nhấc máy gọi cho lái lợn, họ đến thu gom ngon ơ, lại được tiền triệu hoặc ngót triệu/con. Mà lúc dịch tai xanh chẳng hạn, nó chết vài chục con một lúc. Điều các chủ trang trại sợ nữa, là gọi cơ quan chức năng đến tiêu hủy thì rất nguy hiểm. Họ sẽ thanh kiểm tra, sẽ tẩy trùng tẩy uế. Sẽ mang tiếng cho cả trại bị dịch bệnh, rồi việc mua bán sẽ khó khăn hơn. Nên họ cứ giấu nhẹm”, một ông chủ trại lợn tên D nhấn mạnh.

Để chứng minh cho câu chuyện của mình, ông D cho tôi số điện thoại của một lái lợn đồng thời là chủ lò mổ ở cách thủ đô Hà Nội ba chục cây số. Người đàn ông tên Thuận này rất thoải mái. “Tôi không buôn lợn chết thì thằng khác nó cũng buôn, người dân vẫn phải ăn, mà toàn người nơi nào nó ăn ấy chứ có phải dân làng tôi ăn đâu mà lo”. “Cả con lợn chết gần 1 tạ, có khi các chủ trang trại chỉ bán 500.000 đồng. Quá rẻ. Thằng Nguyễn ở khu vực này nó thu gom bao nhiêu cũng... ít. Nó thuê xe tải chở. Gọi một cái là nó có đệ tử đến ngay. Năm trước, tôi gọi nó đến một trang trại, cứ dọc lối đi la liệt lợn nằm ủn ỉn. Chân đi ủng, đá con nào mà nó nằm không dậy được là biết lợn ốm. Ném lên xe ngay. Nó mua 80 con một buổi, lúc ra đến đầu đường lớn, nó chi công “chỉ trỏ” cho tôi là 8 triệu đồng. Như thế đủ thấy nó lãi đến mức nào”.

Tuy nhiên, Thuận và nhiều lái lợn khác đều tiết lộ, mỗi người một mối kiếm ăn, mua lợn chết rồi bán đi đâu thì Nguyễn không bao giờ cho ai biết. Bởi nếu biết, các lái lợn sẽ đem thẳng đến đó bán, Nguyễn sẽ chết đói.

 

Công khai treo biển thu mua lợn chết rồi chế biến đưa lên bàn tiệc, ngay ven QL1A, cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số .


Câu hỏi đặt ra: Lợn chết ở đâu mà lắm thế? Trả lời: Có hai nguồn, một là lợn ốm, lợn chết ở trong dân. Sau khi bác sĩ thú y cấp cứu, tống kháng sinh nồng nặc vào cơ thể lợn mà nó không khỏi, thì phải... hóa kiếp. Thịt ấy bán ra, nếu luộc lên thì mùi kháng sinh không nuốt nổi, song, áp chảo hoặc nấu giả cầy, thì vô tư! Nguồn thứ hai là ở các trang trại lợn. Vùng Sơn Tây, Ba Vì, Phú Thọ, nơi tụ những trang trại lợn lớn. Mỗi trại cả vạn con, mà trong quá trình nuôi thì số lợn chết đều đặn ở mức cho phép là khoảng 0,4% - 0,6%. Lúc dịch tai xanh đến, một trại chết vài trăm con là bình thường.

“Lúc bán chạy hàng, thời gian trước, lợn chết ném ngoài ao rồi, xác lợn nổi xanh lè mốc thếch rồi, vớt về xẻo ít thịt mông - vai đem bán, bọn mua lợn chết, nó vẫn mua - một lái lợn cho biết - quy trình khép kín của họ là: Mỗi trại lợn, khi có lợn chết thì bí mật gọi cho một hai số máy quen. Lái lợn kia cũng chỉ nghe điện thoại và chấp nhận mua lợn ở vài trang trại “ruột” thôi. Muốn mua nơi khác cũng không ai bán. Mà có ai bán cũng không dám mua. Vì sợ bị nhà báo hoặc công an, quản lý thị trường hóa trang điều tra”.

 

Những cái danh thiếp rách trời rơi xuống của những người thu mua lợn ốm lợn chết về cho con người ăn  


Quả thật, khi chúng tôi gọi vào các số máy thợ chuyên thu mua lợn chết thì họ đều rất đề phòng, họ hỏi rất kỹ “mật khẩu”. Ví dụ anh ở trại lợn nào, trại đó nuôi theo tiêu chuẩn nào, ai cho số máy, lần bán trước anh đã gặp tôi chưa, gặp ở đâu. Tuy nhiên, cách thức hoạt động này dù tinh vi hơn xưa, nhưng từ kinh nghiệm “vào vai” đi thực tế vừa qua, chúng tôi cho rằng, với nghiệp vụ của lực lượng chức năng, nếu họ thật sự muốn “tóm” sạch sẽ những người thu mua lợn chết kia, thì chẳng có gì khó khăn...

Bị theo dõi ngược ở “phiên chợ âm phủ”

Mọi con đường của lái lợn ốm, lợn toi đều hướng về chợ lợn chết ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội hoặc một chợ tương tự ở Thường Tín. Chợ hoạt động trắng đêm. Lợn, cứ là phanh thây bán cả con hoặc “bé” nhất là nửa con lợn chết trong một lần giao dịch. Bà con nông dân giễu, “chợ này là chợ của những kẻ sấp mặt vì tiền, bán buôn và bảo kê”. Lợn chết dịch, chết bệnh trước khi đem mổ bán. Chợ lại hoạt động hoàn toàn vào ban đêm, nên tính chất “phiên chợ âm phủ” rất rõ ràng. Rời chợ âm phủ, ít giờ sau, thịt thối có thể đã biến thành ruốc, giò chả, dăm bông, xúc xích, nhân bánh hoặc thịt nướng thịt chiên thơm nức...

Xe bẩn bẩn, đi ủng caosu, người trùm thêm cái áo mưa mỏng dù trời không hề mưa. Chúng tôi ăn mặc theo cách các bà, các ông buôn lợn chết thường mặc, ra chợ. Từng đùi lợn lông lá nằm còng queo, từng sàn sắt ô mắt cáo la liệt mấy chục cái nửa con lợn toi lợn ốm được phanh thây bày bán. Người mua dùng đèn pin xem hàng, mua bán rì rào trong không gian gần như không nghe rõ một giao dịch nào cả. Việc trả giá có khi chỉ là gật, lắc hoặc... vài lời nhỏ giọt đầy ngái ngủ.

 

Những hình ảnh bẩn thỉu từ chợ lợn chết Bình Phú do PV Lao Động ghi lại được.


Trong suốt những ngày vào vai, chúng tôi tuyệt đối không thấy bất cứ sự thanh, kiểm tra hay nỗi ái ngại nào của các chủ buôn lợn chết trước cơ quan quản lý. Bóng dáng của họ ở đâu, hay họ hóa trang quá kỹ? Chợ chết này hoạt động đã nhiều năm, báo chí viết ra rả buốt lòng, họ đưa ra cả bằng chứng về sự “thờ ơ” bí ẩn của cơ quan quản lý địa phương... Có lẽ, “lời nói gió bay”?

Riêng sự cảnh giác với nhà báo của người bán - người mua thì cao độ: Ngày đầu chủ quan, với mục đích tiết kiệm, chúng tôi không muốn mua lợn chết về để... đổ bỏ nên “lượn” chợ vài vòng, rồi về. Y rằng, đã nghe các lái lợn xì xào: “Nó chắc là nhà báo. Cái mặt nó, cái kiểu của nó tao nghi ngay...”. Chỉ vài người đàn bà chúng tôi lấy số điện thoại đặt mối làm ăn thì “cắn câu”.

Bà Nga, nhà ở Thạch Thất hứa mỗi ngày cung cấp vài tạ thịt lợn chết với giá siêu rẻ: 20.000 đồng/kg cho chúng tôi. Tuy nhiên, các giao dịch rành mạch kỹ càng chỉ được vài ngày, khi chúng tôi bố trí người về nhà bà Nga lấy hàng, cũng là lúc bà không nghe điện thoại nữa. Các đầu mối khác cũng chặn số của chúng tôi. Theo lái lợn “thân tín” ở chợ, chúng tôi đã bị theo dõi ngược.

Suốt những ngày sau đó, cứ 3 - 4h sáng, chúng tôi có mặt ở con đường từ trung tâm huyện Thạch Thất ra chợ lợn Bình Phú. Không biết cái chợ to như cái... chợ ấy, cảnh sát môi trường và quản lý thị trường, chính quyền sở tại có biết không? Rành rành họ bán mua, tuyên bố là mua bán lợn chết, họ gọi nhau vào trang trại ngã giá con lợn chết, rồi tuồn thịt lợn ấy vào thành phố không giấy tờ nguồn gốc, không hóa đơn, không giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sao không bắt được?

Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi đã đổi người vào vai lái lợn đi “hàng chết”. Từng nửa con lợn mua với giá siêu rẻ được dùng làm “của tin còn một chút này” để tiếp cận các ông bà trùm lúc nào cũng mở cửa đón các mối hàng tiềm năng.

Và một sự thật về “bà trùm” đã lộ sáng...

Một số hình ảnh phóng viên Lao Động ghi được tại chợ lợn Bình Phú:

 

Các mánh khóe của lái lợn trong việc đem lợn chết làm thực phẩm cho con người không còn xa lạ gì với đại đa số bà con.
 

Công khai treo biển thu mua lợn chết rồi chế biến đưa lên bàn tiệc, ngay ven QL1A, cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số.
 

Khi đã phanh thây, sơ chế, đố ai biết lợn nào là thơm là thối.
 

Lợn ốm lợn chết bị thu giữ bởi lực lượng công an và quản lý thị trường chỉ là phần nổi bé xíu của tảng băng chìm.
 

Những cái danh thiếp rách trời rơi xuống của những người thu mua lợn ốm lợn chết về cho con người ăn.
 

Những hình ảnh bẩn thỉu từ chợ lợn chết Bình Phú do PV Lao Động ghi lại được.
 

Trại lợn với la liệt lợn ốm và chết đang chờ thương lái thu mua.
 

Xả thịt lợn chết thối ngay trong chuồng lợn bẩn thỉu.


(còn tiếp)

Tác giả bài viết: Trần Ích - Tâm Am