Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là làm thế nào để người tiêu dùng trong nước cũng được thụ hưởng những thực phẩm đạt chuẩn của các thị trường khó tính.
Nâng dần tiêu chuẩn
Vừa qua, trong chuyến công tác tại TP HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước phải tương đương hàng xuất khẩu. Bởi thời gian qua, nông sản thực phẩm Việt đã chinh phục hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về 40 tỉ USD trong năm 2017 cho thấy khả năng cung ứng hàng theo tiêu chuẩn quốc tế của nông dân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lâu nay thực phẩm cung cấp nội địa và xuất khẩu khác nhau về quản lý, tiêu chuẩn, thói quen… Do đó, muốn nâng dần chuẩn chất lượng trong nước nên bắt đầu từ TP HCM và Hà Nội, là nơi phần lớn thực phẩm tiêu thụ phải nhập từ các địa phương khác và nhập khẩu.
Người tiêu dùng thử khô cá tra - basa, sản phẩm xuất khẩu hàng tỉ USD mỗi năm |
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết sản xuất nông nghiệp tại TP chỉ đáp ứng 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân. Hàng nhập từ các nơi khác luôn chiếm tỉ trọng cao, như gia súc - gia cầm chiếm tới 90%, thủy sản 80%-85%, rau củ quả 70%. Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tham mưu cho UBND TP HCM ban hành tiêu chuẩn thực phẩm đưa đến TP tiêu thụ.
"Tiêu chuẩn này sẽ dựa vào những quy định hiện hành để chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm tồn dư hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng… Việc ngăn chặn các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn sẽ tạo điều kiện cho thực phẩm tốt và đạt chuẩn xuất khẩu tiếp cận người tiêu dùng. Đối với DN xuất khẩu, muốn phát triển thị trường nội địa cũng nên đầu tư, chăm chút cho sản phẩm bán trong nước. DN không nên có tư tưởng hàng tốt nhất đem xuất khẩu mà nên ưu tiên cho thị trường nội địa" - bà Lan nhìn nhận.
Giá không còn là rào cản
Theo các DN xuất khẩu, người tiêu dùng TP HCM đủ sức chi trả cho các loại thực phẩm cao cấp, đắt tiền, không thua gì các nước "nhà giàu". Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, DN xuất khẩu thành công chuối sang Nhật - từng thừa nhận thị trường này đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhưng giá mua lại không cao. "Nhiều thời điểm, giá chuối của Huy Long An bán lẻ ở Nhật thấp hơn giá bán ở siêu thị Việt Nam" - ông Huy tiết lộ.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), DN đang có kế hoạch mở chuỗi cửa hàng trái cây chuẩn xuất khẩu - cho rằng đã dành thời gian quan sát ở các siêu thị và nhận thấy người tiêu dùng nội địa sẵn sàng chi trên 100.000 đồng để mua 1 kg trái cây. "Họ mua nho, táo, lê… là những mặt hàng rất bình dân ở nước ngoài. Trong khi đó, các loại trái cây rất bổ dưỡng của Việt Nam như thanh long, nhãn, chôm chôm… loại 1 gần như không được bán trong nước vì đã dành cho xuất khẩu.
Theo tôi, để người tiêu dùng trong nước được hưởng thụ sản phẩm như xuất khẩu cần có sự thay đổi. Đối với quản lý nhà nước, cần kiểm soát trái cây trên thị trường như các nước đã làm, sản phẩm bày bán phải có tem nhãn, có người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quan trọng nhất là đối với các hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật mà Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cấm sử dụng thì Việt Nam cũng phải cấm thì mới có nguồn trái cây sạch theo tiêu chuẩn thế giới. Còn hiện nay, có những chất độc hại thế giới đã cấm nhưng Việt Nam vẫn cho sử dụng khiến người tiêu dùng trong nước phải ăn trái cây có nguy cơ chứa chất độc hại, DN xuất khẩu gặp khó trong việc kiểm soát nguồn hàng" - ông Tùng kiến nghị.
Công ty TNHH Vĩnh Thuận (Sóc Trăng) có hơn 15 năm cung cấp tôm sạch cho các nhà máy chế biến xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu. Để được xuất khẩu sang các thị trường này, công ty đã đạt và duy trì các chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững như VietGAP, BAP, GLG, ASC. Mới đây, công ty đã có định hướng cung cấp hàng nội địa.
Ông Quách Hoàng Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Thuận, nhận xét thời gian gần đây, thị trường trong nước có nhu cầu cao đối với các sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ đó, công ty mới nghĩ đến phát triển thị trường trong nước, xây dựng thương hiệu.
Theo ông Phong, khác với nước ngoài chủ yếu dùng tôm đông lạnh, người Việt thích dùng tôm sống. Do đó, để chuẩn bị cung cấp sản phẩm tôm cho thị trường TP HCM, công ty sẽ phải xây một trạm trung chuyển tại đây. Trạm trung chuyển tương tự như một ao nuôi thu nhỏ để có thể giữ được chất lượng tôm, giảm hao hụt so với việc chở từng chuyến giao thẳng đến nơi mua như một số điểm bán tôm sống đang làm.
Phát triển sản phẩm chế biến sâu Ông Lê Quang Luyến - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phúc An (Bình Phước), thuộc tốp 30 DN xuất khẩu hạt điều lớn nhất Việt Nam - thừa nhận cũng đang từng bước phát triển thị trường nội địa bằng các sản phẩm chế biến sâu từ điều như rang muối, tẩm mật ong, tẩm mù tạt… Theo ông Luyến, xu hướng sử dụng các loại hạt mới bắt đầu hình thành ở một bộ phận người tiêu dùng Việt là cơ hội cho các DN hạt điều. Gần đây, tỉ lệ hạt điều bán nội địa chiếm khoảng 5% so với 3% trước đây. |