Tổng thống Joe Biden phát động không kích ở Syria

Admin
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh thực hiện các cuộc không kích ở miền Đông Syria nhằm vào những khu vực của lực lượng dân quân được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn.

Hãng tin AP dẫn lời quân đội Mỹ ngày 24-8 cho biết họ đã thực hiện các cuộc không kích ở miền Đông Syria theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Mục tiêu là những khu vực được sử dụng bởi lực lượng dân quân do Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Syria cũng như Iran chưa xác nhận các cuộc không kích nhằm vào tỉnh Deir Ez-Zor - Syria.

Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) tuyên bố các cuộc không kích trên là "hành động có chủ ý nhằm hạn chế nguy cơ leo thang và giảm thiểu nguy cơ thương vong”. Bộ này không công bố mục tiêu và không đưa ra bất kỳ con số thương vong nào.

"Các cuộc không kích hôm nay là cần thiết để bảo vệ quân nhân Mỹ" - phát ngôn viên CENTCOM Joe Buccino nói.

 Tổng thống Joe Biden phát động không kích ở Syria. Ảnh: ABC News

Cũng theo ông Buccino, các cuộc không kích nhằm đáp trả một cuộc tấn công vào các lực lượng Mỹ ngày 15-8. Cuộc tấn công này được cho là do lực lượng dân quân mà IRGC hậu thuẫn tiến hành bằng cách sử dụng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ al-Tanf Garrison.

Thời điểm đó, CENTCOM cho hay cuộc tấn công "không gây thương vong và không có thiệt hại".

Deir Ez-Zor là một tỉnh chiến lược giáp với Iraq và sở hữu nhiều mỏ dầu. Các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn và lực lượng Syria kiểm soát khu vực. Tỉnh này thường hứng chịu các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu Israel trước đây.

Trong khi đó, quân đội Mỹ can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 để hỗ trợ các lực lượng đồng minh trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hồi tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump thông báo quyết định rút toàn bộ khoảng 2.000 quân Mỹ ra khỏi Syria sau khi tuyên bố Washington đã đánh bại IS.

Giới phân tích nhận định Nga, Iran và phong trào Hezbollah xem việc Mỹ rút quân là một thắng lợi lớn. Riêng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảm thấy an tâm củng cố quyền lực và tập trung sức mạnh quân sự để đối phó các mối đe dọa khác. Trái lại, người Kurd sẽ rơi vào tình thế phải chống đỡ cả quân đội Syria và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, theo đài NPR.

Tác giả: Phạm Nghĩa

Nguồn tin: Báo Người Lao động