Tổng thống Trump khiến Mỹ bị đồng minh cô lập tại G7

Admin
Sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức, Tổng thống Trump một lần nữa bị các đồng minh cô lập tại Hội nghị thượng đỉnh G7 do các chính sách gây tranh cãi về thương mại.

Theo BBC, cuộc gặp hôm 8/6 giữa lãnh đạo các nước thuộc nhóm G7 chứng kiến lập trường của Mỹ bị cô lập trong vòng vây các thành viên còn lại.

Chính sách thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Trump là tâm điểm của sự chỉ trích. Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau gọi các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Trump đặt ra là "phi pháp".

 Các lãnh đạo G7 trước khi bước vào hội đàm chính thức hôm 8/6. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo quan điểm của Tổng thống Trump về thương mại, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran có thể tạo ra hiểm họa thực sự.

"Điều khiến tôi lo lắng nhất là hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ đang gặp phải thách thức, không phải bởi những đối tượng thông thường mà lại bởi chính người đã xây dựng và bảo vệ nó lâu nay", ông Tusk nói.

Phát biểu trước khi G7 khai mạc, Tổng thống Trump từng nói muốn Nga quay trở lại sự kiện này. Tuy nhiên, quan điểm của ông Trump không được chào đón giữa các đồng minh. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các thành viên EU tại G7 "nhất trí điều đó không nên xảy ra".

Những tranh cãi và bất đồng giữa Mỹ và phần còn lại của G7 làm dấy lên nghi ngờ khả năng các nước không nhất trí được một tuyên bố chung của hội nghị. Tuy nhiên Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng các lãnh đạo G7 vẫn sẽ đạt được tuyên bố chung.

 Lãnh đạo G7 và EU chụp ảnh lưu niệm trước phiên khai mạc. Ảnh: AFP.

Hội nghị thượng đỉnh G7 có sự tham dự của các nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Canada và Nhật Bản. Hội nghị G7 năm nay được tổ chức tại Quebec, Canada.

G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh. Đầu tháng 6, chính quyền Trump bắt đầu áp 10% thuế nhôm và 25% thuế thép nhập khẩu lên các nước đồng minh, chấm dứt hai tháng miễn trừ. Quyết định này khiến Liên minh châu Âu, Canada và Mexico phản đối mạnh mẽ.