Năm 2018 - năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn chỉ tiêu có thể áp dụng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Dựa trên cơ sở này, Sở GDĐT Hà Nội đã cho phép một số trường THCS được phép tổ chức tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển, hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Đây là các trường đặc thù, trường “điểm” có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6.
Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, phương án thi hay không thi vẫn đang khiến các bậc phụ huynh và các em học sinh lo lắng. Bởi một số trường đã thay đổi sang phương án chỉ xét tuyển, không kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực như trường chuyên Hà Nội Amsterdam, Trường THCS Cầu Giấy…
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi Trẻ. |
Dù bức xúc với những thay đổi “chóng mặt” về phương thức tuyển sinh và thi cử trong thời gian qua, dù các trường thi tuyển hay xét tuyển chưa ngã ngũ, tuy nhiên với tâm lý áp lực thi cử, nhiều bậc phụ huynh vẫn quyết tâm cho con em mình đến các lò luyện thi vào lớp 6 tại nhiều trung tâm ở Hà Nội.
Do áp lực thi cử vào trường chuyên, trường điểm, lớp chọn, nhiều học sinh lớp 5 thay vì được vui chơi, giải trí sau một năm học tập vất vả đã vùi đầu vào ôn luyện cho bài thi đánh giá năng lực của các trường. Những bậc phụ huynh cũng tự tạo áp lực cho mình và chính con em mình khi buộc các con phải luyện thi để chuyển cấp được vào những trường điểm, có tính cạnh tranh cao với mong muốn con em mình có môi trường học tập chuyên nghiệp để phát triển.
Từ chính sự thay đổi chính sách tuyển sinh của cơ quan quản lý nhà nước, từ sự kỳ vọng từ phía các bậc phụ huynh, các em học sinh lớp 5 đã phải chịu rất nhiều áp lực trong kỳ thi chuyển cấp mà lẽ ra các em không phải trải qua nếu không bị chính cha mẹ mình ép phải vào bằng được trường chuyên, trường điểm.
Bậc giáo dục phổ thông, nhất là cấp THCS chỉ giúp các em học sinh có nền tảng cơ bản của kiến thức khoa học cũng như kỹ năng sống, là bước đệm để lên những bậc giáo dục cao hơn, ở đó mới là bậc giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì vậy, dù các em học THCS có học giỏi, đỗ thủ khoa chưa chắc các em sau này sẽ là nhân tài.
Đấy là chưa kể trong môi trường trường điểm, lớp chọn sẽ khiến các em có tâm lý tự cao mà không cố gắng học tập, hoặc tự ti khi kết quả thấp sẽ tạo áp lực cho chính các em, từ đó dẫn đến buông xuôi học tập. Kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng mà thực tế đã xảy ra như mắc bệnh trầm cảm, thậm chí tự tử do áp lực học tập quá cao.
Bên cạnh đó, cũng chưa có khái niệm nào chính xác về việc học sinh trường thường kém hơn học sinh trường điểm, hay giáo viên trường điểm chất lượng cao hơn giáo viên trường thường. Thực tế, môi trường giáo dục lành mạnh, học sinh có tâm lý thoải mái, được vui chơi giải trí, được giáo dục căn bản có ý chí vươn lên thì kết quả học tập sẽ tốt hơn.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh cũng cần tránh xa căn bệnh thành tích học tập ảo, tạo sức ép cho con cái mình phải vào được trường điểm bằng mọi cách, tạo áp lức quá lớn lên chính con em mình trong quá trình học tập. Thay vào đó, hãy chọn cho con mình một môi trường phù hợp, có đủ thời gian vừa học tập, vừa vui chơi giải trí tạo tâm lý thoải mái cho các em học sinh để các em sống đúng với lứa tuổi của mình.
Trên thực tế, việc lựa chọn cho con em vào trường điểm, trường đặc thù hay vào trường thường là quyền của các bậc phụ huynh nhưng cũng cần cân nhắc về sự được mất của chính con em mình trong quá trình học tập, thi cử. Như lời phát biểu của cố Tổng thống Mỹ - Kennedy ở ngay trang đầu cuốn Cẩm nang về đào tạo tài năng của bang Idaho: “Không phải trẻ em nào cũng có tài năng, năng lực hoặc động cơ như nhau, nhưng mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng với nhau trong việc phát triển tài năng, năng lực và động cơ của mình.”
Tác giả: Thiên Nga
Nguồn tin: Báo Kiến thức