Vỉa hè phố đi bộ nghìn tỷ ở Hải Phòng chưa bàn giao liên tục nứt vỡ

Admin
Dù đã đưa vào sử dụng hơn 3 năm qua nhưng Dự án đầu tư chỉnh trang bờ sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) vẫn chưa được bàn giao, quyết toán. Đá lát vỉa hè phố đi bộ được đầu tư nghìn tỷ này liên tục nứt vỡ, rạn nứt.

Vỉa hè phố nghìn tỷ nứt vỡ như "cơm bữa"

Năm 2017, UBND TP Hải Phòng phê duyệt Dự án đầu tư chỉnh trang sông Tam Bạc, đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc (quận Hồng Bàng), với tổng mức đầu tư hơn 1.454 tỷ đồng.

Tháng 5/2019, các hạng mục của dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp diện mạo hai bên bờ sông Tam Bạc được cải thiện rõ rệt và trở thành phố đi bộ đẹp nhất thành phố cảng.

Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào sử dụng đến nay, dự án này vẫn chưa được bàn giao, quyết toán. Đáng chú ý, dù chưa bàn giao quyết toán dự án nhưng hạng mục vỉa hè dành cho người đi bộ có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều vị trí đá lát vỉa hè bong tróc, sụt lún, các vết nứt kéo dài hàng chục mét.

Đây không phải là lần đầu tiên phố đi bộ Tam Bạc xuất hiện tình trạng nứt vỡ đá lát vỉa hè. Vỉa hè phố đi bộ Tam Bạc có chiều dài chưa đến 2km nhưng liên tục bong rộp, nứt vỡ tại nhiều vị trí.

 Toàn cảnh khúc sông Tam Bạc đã được TP Hải Phòng đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng chỉnh trang hai bờ sông.

 Đá lát vỉa hè phố Tam Bạc bong rộp vào thời điểm tháng 6/2021.

Anh Tâm (33 tuổi, người dân phố Tam Bạc) cho biết, người dân phố đi bộ nhiều lần chứng kiến công nhân sửa chữa, cải tạo tuy nhiên đá vẫn vỡ như “kẹo lạc”. Nhiều vết nứt, vết sụt lún kéo dài hàng chục mét gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới người dân đi bộ, tập thể dục.

Theo anh Tâm, phố Tam Bạc có vỉa hè rộng 5-7m, cao hơn mặt đường khoảng 20cm và chỉ dành cho người đi bộ, phương tiện không thể lên vỉa hè. Người dân dọc phố cũng không kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè. Hằng ngày, người dân xung quanh thường ra bờ sông Tam Bạc tập thể dục, đi dạo. Do đó, không có tác động của con người khiến đá hư hỏng.

Đá lát nứt vỡ do nắng nóng?

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban quản lý dự án quận Hồng Bàng cho biết, Dự án chỉnh trang 2 bên bờ sông Tam Bạc được thành phố phê duyệt với các hạng mục chính như: nạo vét lòng sông, kè bê tông cốt thép 2 bờ sông (khoảng 2,8km), cải tạo lòng đường, vỉa hè phố Tam Bạc và phố Thế Lữ (tổng chiều dài 2,5km); xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phường Hạ Lý…

Trong đó, Công ty Cổ phần Trung Thủy trúng gói thầu làm đường và vỉa hè phố Tam Bạc có giá trị 170 tỷ; Công ty liên doanh 68 Hồng Hà trúng gói thầu thi công bờ sông Tam Bạc bằng cọc cừ bê tông cốt thép, có giá trị 280 tỷ đồng. Tháng 5/2019, sau khi các hạng mục dự án hoàn thiện, tuyến phố được đưa vào sử dụng.

Ngay sau khi đưa vào sử dụng, không lâu sau đó tuyến phố đi bộ xuất hiện tình trạng đá lát vỉa hè bong tróc, sụt lún, nứt vỡ. Nhà thầu đã huy động công nhân chít mạch, thay đá mới tuy nhiên tình trạng không cải thiện, tái diễn hư hỏng, điển hình vào các năm 2020, 2021 và hiện tại.

 Vỉa hè phố Tam Bạc (TP Hải Phòng) tái diễn hư hỏng, các vết rạn nứt chạy dọc phố.

 Công nhân cải tạo, thay mới đá lát vỉa hè phố Tam Bạc đầu tháng 12/2022.

Lý giải nguyên nhân, đại diện Ban quản lý dự án quận Hồng Bàng cho rằng, vào mùa hè nắng nóng khiến mạch vữa giãn nở dẫn đến đá lát vỉa hè nứt vỡ, bong tróc.

Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng nhiều tuyến phố khác cũng chịu nắng nóng tương tự phố Tam Bạc nhưng đá lát vỉa hè không nứt vỡ thì vị cán bộ này không giải thích. Ban quản lý dự án quận Hồng Bàng cũng từ chối đánh giá về năng lực thi công của Công ty Cổ phần Trung Thủy.

Đại diện Ban quản lý dự án quận Hồng Bàng cho biết thêm, dự án chậm quyết toán bàn giao do UBND TP Hải Phòng đã nhiều lần điều chỉnh thời gian thực hiện. Lần gần nhất tháng 9 vừa qua, thành phố quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2017-2021 thành 2017-2023, kéo dài thêm 2 năm.

“Đơn vị đã yêu cầu Công ty Cổ phần Trung Thủy gấp rút cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, đồng thời hoàn tất thủ tục để bàn giao, quyết toán dự án vào đầu năm 2023”, đại diện Ban quản lý dự án quận Hồng Bàng nói.

Tác giả: Nguyễn Hoàn

Nguồn tin: Báo Tiền phong