Hạn chế đầu cơ bất động sản
Bộ Tài chính vừa hoàn thành báo cáo chuyên đề về chính sách thuế tài sản, một loại thuế đánh vào quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, trong đó phổ biến nhất là thuế đối với bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam hiện có nhiều chính sách thuế liên quan đến tài sản, cụ thể là bất động sản như thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập doanh nghiệp/cá nhân từ bất động sản, phí trước bạ...
Tuy nhiên, chính sách thuế với tài sản hiện chưa đáp ứng vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng một Luật Thuế tài sản riêng sẽ góp phần quản lý sử dụng hiệu quả đất đai và hạn chế đầu cơ bất động sản.
Trao đổi với Đất Việt, TS Lê Quang Cường, Bộ môn thuế, Khoa tài chính công, Đại học Kinh tế TP.HCM khẳng định hoàn toàn ủng hộ quyết định trên của Bộ Tài chính.
Theo ông Cường, các quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện việc này từ lâu. Việt Nam thời điểm này tính đến việc thu thuế tài sản dù muộn nhưng hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế trong nước.
Đánh thuế tài sản sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ. Ảnh minh họa |
“Thuế tài sản ở Mỹ hay nhiều quốc gia khá chủ yếu chỉ đánh vào đất và nhà. Họ cũng có đánh vào máy bay, du thuyền, xe hơi nhưng chỉ trong trường hợp tài sản đó có giá trị cao.
Chúng ta phải hiểu là thuế tài sản là thuế dành cho người giàu. Trong khi Việt Nam không phải là quốc gia giàu có, ở mức thu nhập trung bình và trung bình thấp. Nếu chúng ta coi thuế tài sản là loại trọng tâm là một sai lầm lớn. Đây chỉ là loại thuế mới, cần khai thác để bù đắp nguồn thu ngân sách những năm gần đây rất khó khăn.
Mục đích tốt của nó là hạn chế khả năng đầu cơ bất động sản. phát hiện tài sản không rõ nguồn gốc hoặc có vấn đề. Kết hợp với chống tham nhũng, tình trạng đứng tên sẽ bị lộ ra”, TS Cường khẳng định.
Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nếu Việt Nam quyết tâm làm đến cùng thì không có gì quá khó khăn để thu thuế tài sản.
Bởi lẽ tài sản về đất hoặc nhà từ lâu nay các tỉnh, thành phố quản lý thông qua việc cấp sổ đỏ. Ngay cả địa phương nghèo thì vấn đề cấp sổ đỏ cho người dân cũng đều đạt 100%.
“Đây là loại tài sản gắn liền với giấy tờ mới được quyền sở hữu hợp pháp. Cho nên với nhà và đất rất dễ kiểm soát. Xe gắn máy, ô tô hay máy bay cũng là những phương tiện bắt buộc phải có giấy tờ nếu muốn đi lại ở Việt Nam.
Càng những tài sản có giá trị thì người chủ đều mong muốn có được sự sở hữu hợp pháp bằng giấy tờ thông qua cơ quan công quyền cấp”, TS Cường khẳng định.
TS Đỗ Thị Thìn, chuyên gia thuế cũng đồng tình với kiến nghị của Bộ Tài chính. Bà Thìn thừa nhận, việc đẩy nhanh tiến độ đưa loại thuế này áp dụng trong thực tế là cần thiết, trong bối cảnh nhiều người Việt đang sở hữu tới 2-3 bất động sản.
“Tài sản ở đây bao gồm động sản và bất động sản. Bất động sản chủ yếu là nhà đất. Ngoài ra có thể tính đến chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu. Những tài sản này thường thu mỗi năm một lần.
Chỉ có vàng bạc anh tích trữ thì chúng ta hơi khó kiểm soát. Nhưng mà việc này lại chứa nhiều rủi ro”, bà Thìn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia khẳng định, mỗi loại thuế có một ý nghĩa khác nhau vì vậy người dân không nên quá lo ngại việc thu thuế tài sản sẽ dẫn tới tình trạng “thuế chồng thuế”.
“Việc đánh thuế tài sản thể hiện anh có nhiều tài sản và phản ánh thu nhập của người dân. Khi có nhiều tài sản thì sẽ dựa vào thực tế để đánh thuế tài sản”, bà Thìn nói.
Đánh thuế tài sản dựa theo thị trường cung - cầu
TS Lê Quang Cường cho biết, đối với thuế tài sản, có những quốc gia thu 1 %, có nước 2%. Tại Mỹ hiện nay đang ở mức 3%. Tuy nhiên ông Cường khẳng định, tỷ lệ bao nhiêu % không quan trọng. Vấn đề quan trọng cần xác định là đánh theo giá nào.
“Việt Nam chưa thật sự hình thành thị trường bất động sản. Giá đất do người bán đưa giá chứ không phải do thị trường cung–cầu quyết định.
Vì vậy nếu chính quyền áp một giá để đánh thuế thì không thuyết phục người dân. Do đó khi triển khai loại thuế này cần đưa ra những quy định hết sức cụ thể theo thị trường cung–cầu”, TS Cường nói.
Theo TS Cường, tại Mỹ, chính quyền thu thuế tài sản 3 % nhưng hàng năm có sẽ thông báo giá một lần, tùy theo thị trường bất động sản tăng hay giảm. Cho nên chính quyền phải tìm cách thu hút dân tới để đóng thuế cho chính quyền địa phương.
“Chúng ta nên đánh thuế ở căn nhà thứ hai và miếng đất thứ hai. Nếu cần thiết có thể bỏ luôn thuế ruộng đất, phi nông nghiệp và chỉ tập trung vào lĩnh vực nhà, đất.
Tất cả hồ sơ đã được mã hóa hết và chỉ cần nhấn nút là biết được người dân này có bao nhiêu tài sản, bao nhiêu nhà. Chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt việc này”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Đỗ Thị Thìn đề nghị Việt Nam đánh thuế tài sản ở mức độ thấp, chủ yếu để quản lý chứ không phải đánh cao để thu thuế.
Bà Thìn cũng không đồng tình với lo ngại, thu thuế tài sản sẽ khiến nhiều người chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư, mua nhà.
Vị chuyên gia cho rằng việc này phụ thuộc vào tính toán của người nắm tài sản xem đầu tư tại Việt Nam hay đầu tư tại nước ngoài có lợi hơn. Nếu môi trường tại Việt Nam không thuận lợi thì chắc chắn người dân sẽ không đầu tư trong nước. Dù thuế tài sản tại các quốc gia khác có cao họ vẫn lựa chọn.