Vụ kiện bất đắc dĩ và nước mắt các doanh nghiệp du lịch, thương mại rơi xuống công trình tiền tỷ

Admin
Vụ kiện bất đắc dĩ của các doanh nghiệp du lịch thương mại với Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng phía sau là nước mắt nhà đầu tư rơi xuống công trình

Sáng mai (ngày 27/6), Hội đồng xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân TP. Hải Phòng sẽ tuyên án vụ kiện hành chính giữa bên khởi kiện là đại diện doanh nghiệp du lịch, thương mại - Công ty CP Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa (Công ty Đảo Cát Dứa) và bên bị kiện là Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng.

 

 

Chung nỗi đau buồn và lo lắng như công ty trên, còn có 5 doanh nghiệp khác đang hoạt động du lịch và thương mại tại Cát Bà: Công ty Đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh, Công ty CP Thương mại Tùng Long, Công ty CP Thương mại Thanh Bình, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang và Công ty TNHH Đảo Cát.

Nội dung khởi kiện liên quan tới Quyết định số 176/QĐ-KPHQ ngày 25/11/2021 của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với Công ty Đảo Cát Dứa.

Hậu quả, ở đây là những công trình tại Bãi Cát Dứa II (Vườn quốc gia Cát Bà, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải) được Công ty Đảo Cát Dứa đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động từ trước năm 2017.

Hơn chục năm trước, đảo Cát Bà hoang sơ. Theo lời kêu gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp, trong đó Công ty Đảo Cát Dứa đã tiên phong đến để đầu tư, phát triển theo mô hình liên doanh liên kết thí điểm loại hình du lịch sinh thái, xây dựng nơi đây thành điểm du lịch lý tưởng mà không tác động đến vùng đệm, vùng lõi của đảo Cát Bà.

Ông Trịnh Phúc Mãn, Phó Giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa nói về nỗi nhọc nhằn khi công ty bắt đầu xây dựng từ năm 2009, tới năm 2012, 2013 những trận bão đã khiến công ty thiệt hại toàn bộ, sau đó công ty tiếp tục đầu tư đến cuối năm 2015 thì hoàn thành.

“Suốt quá trình đầu tư tới khi hoàn thiện, đưa vào hoạt động, công ty luôn tuân thủ toàn bộ cam kết với Vườn quốc gia Cát Bà. Vườn quốc gia Cát Bà còn cử 2 cán bộ túc trực, giám sát xây dựng; Thanh tra Xây dựng đặt tại huyện Cát Hải cũng chưa một lần nhắc nhở, kiểm tra”, ông Trịnh Phúc Mãn khẳng định tại toà.

Cho tới cuối năm 2020, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng tới kiểm tra và lập Biên bản vi phạm hành chính số 101/BB-VPHC, đối với các công trình tại Bãi Cát Dứa II.

Gần 1 năm sau (ngày 25/11/2021), Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng ban hành Quyết định số 176/QĐ-KPHQ, buộc Công ty Đảo Cát Dứa phải tháo dỡ các công trình đã xây dựng. Lý do: Những công trình trên không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Không có giấy phép, nhưng lạ, xây dựng từ năm 2009 tới năm 2015 không một cơ quan nào nhắc nhở, kiểm tra, thậm chí Vườn quốc gia Cát Bà còn cử cả cán bộ tới giám sát. Không có giấy phép xây dựng, nhưng chục năm sau mới tới lập biên bản, buộc tháo dỡ…

Và, buồn hơn, cay đắng hơn, các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực thương mại và du lịch những năm qua đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy du lịch và thương mại ở địa phương, tiêu thụ hàng hoá, nông sản, thuỷ hải sản, đánh thức đảo Khỉ - đảo Cát Dứa nhưng nay vì việc xây dựng bị cho là có sai phạm họ đang bị rơi vào cảnh khóc dở mếu dở.

Pháp luật chỉ có đúng hoặc sai, và chúng ta phải thượng tôn. Nhưng cũng cần có cái nhìn toàn diện, tôn trọng và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp cũng như xử lý thoả đáng trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong việc kiểm tra, đôn đốc, không ngăn chặn và xử lý kịp thời công trình sai phạm từ đầu, để lại nhiều hệ luỵ phức tạp sau này.

Chắc chắn sẽ có một bản án hợp lý hợp tình cho vụ kiện và chúng ta luôn phải thượng tôn pháp luật song cũng cần làm sao không để nước mắt nhà đầu tư rơi xuống những công trình tiền tỷ. Cần cố gắng làm sao để giảm thiểu những thiệt hại cho người dân.

Có lẽ đó cũng là điều đáng suy ngẫm và cần rút ra trước và sau phiên tòa này!

Tác giả: Quốc Minh

Nguồn tin: congthuong.vn