Giải trí

Vụ việc Quang Linh Vlogs là hồi chuông cảnh tỉnh nghệ sĩ

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử nhấn mạnh, vụ việc Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật là hồi chuông cảnh tỉnh tới các nghệ sĩ.

Nhận thức về quảng cáo của nghệ sĩ rất yếu

Tại họp báo quý I/2025 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết, rất "đau lòng" khi gần đây gặp gỡ một số nghệ sĩ, người nổi tiếng liên quan tới quảng cáo sai sự thật.

Đề cập đến vụ việc Quang Linh Vlogs, theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đây là trường hợp rất đáng tiếc. Quang Linh đã có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật về quảng cáo, lại còn góp vốn làm sản phẩm, dẫn đến bị xử lý hình sự.

Chúng tôi thật sự đau lòng. Nếu Quang Linh hiểu biết pháp luật tốt hơn đã tránh được hậu quả đáng tiếc như vậy. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tới các nghệ sĩ" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: Hoa Quỳnh

Theo ông Lê Quang Tự Do, một số người nổi tiếng, nghệ sĩ thường có nhận thức và hiểu biết pháp luật về vấn đề quảng cáo rất yếu. Họ nhận hợp đồng và ký kết hợp đồng quảng cáo một cách dễ dãi, không quan tâm nhiều đến nội dung được cung cấp, không xem xét liệu nó có đúng sự thật hay không, điều này dẫn đến việc vi phạm pháp luật.

Không chỉ vậy, ông Lê Quang Tự Do nói thêm, một số nghệ sĩ dựa trên kinh nghiệm cá nhân để quảng cáo và khẳng định điều đó đúng cho tất cả mọi người, dẫn đến những thông tin sai lệch. "Nghệ sĩ thường hợp tác với các công ty sản xuất và được trả công bằng cổ phần, cổ phiếu hoặc rót vốn. Khi đó, họ vô tình trở thành đồng sản xuất và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm bị kết luận là hàng giả", ông Lê Quang Tự Do thông tin.

Xin lỗi suông thì chưa đủ

Ông Lê Quang Tự Do cũng nhấn mạnh, trong thời đại số, nghệ sĩ không thể viện lý do “không biết luật” để bao biện cho hành vi vi phạm. Việc xin lỗi là cần thiết, nhưng “xin lỗi suông thì chưa đủ”. Người vi phạm cần chủ động khắc phục hậu quả. Việc khắc phục cần có hai hình thức và cần thực hiện đồng thời. Đó là tự giác sửa sai và nghiêm chỉnh chấp hành các hình thức xử phạt của pháp luật và cam kết không tái phạm.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ được khuyến nghị cần chủ động học hỏi, tham khảo quy định pháp luật trước khi ký hợp đồng quảng cáo. Không thể vì một vài phút ghi hình, một vài dòng trạng thái trên mạng xã hội mà đánh đổi uy tín cá nhân, lòng tin công chúng và đối mặt với hậu quả pháp lý.

NSND Nguyễn Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Ảnh: Hoa Quỳnh

Cũng tại họp báo, thông tin thêm về vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho rằng, người nổi tiếng hay bất kỳ ai cũng đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật thì đã có những quy định, điều luật để điều chỉnh những hành vi sai. "Với Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ai sai ở đâu, sẽ bị xử phạt ở đó. Nếu lừa đảo, bán hàng giả, hoặc vi phạm những khung lớn hơn, nghệ sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự" - NSND Xuân Bắc nói.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây) cũng đã ban hành Văn bản số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và khuyến khích các bộ khác xây dựng quy tắc ứng xử trong phạm vi quản lý, hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có chế tài xử phạt. Vì thế, không có tính răn đe nên cần thể chế một số nội dung thành nghị định để có chế tài xử phạt.

"Kinh nghiệm từ các nước là vừa có quy định cứng là các chế tài xử phạt, vừa quy định mềm là các quy tắc ứng xử, để người của công chúng có cách ứng xử chuẩn mực, vi phạm thì sẽ vấp phải phản ứng từ xã hội, công chúng. Do đó, tới đây sẽ làm điểm một vài trường hợp, trong đó có cả trường hợp vi phạm trong quảng cáo"- theo ông Lê Quang Tự Do.

Nhiều nghệ sĩ và KOLs vẫn còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm quảng cáo. Đây là hồi chuông cảnh báo, bởi việc nhận quảng cáo tràn lan, thiếu kiểm chứng về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm không chỉ làm mất lòng tin công chúng mà còn vô tình vi phạm pháp luật.

Tác giả: Bảo Thoa

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP