Sầu riêng được mệnh danh là “Vua trái cây” |
Giá trên 40 nghìn đồng và đang tăng lên từng ngày
Đó là khẳng định của ông Vũ Đức Côn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk, khi gửi công văn cho Sở Thông tin truyền thông tỉnh phản ánh thời gian gần đây có nhiều bài báo đưa thông tin về giá sầu riêng, bơ giảm và rất khó tiêu thụ. Một số thương lái sử dụng thông tin báo đưa để ép giá với người bán.
Ông Côn thừa nhận thời điểm trung tuần tháng 7 khi một số tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 khiến việc lưu thông hàng hoá bước đầu gặp khó khăn nên có tình trạng giá sầu riêng giảm, thu hái, tiêu thụ gặp khó. Nhưng hiện tại sau nhiều cố gắng của các địa phương, cơ quan chức năng đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tình hình tiêu thụ hàng hoá tốt hơn, giá sầu riêng tại vườn trên 40.000 đồng/kg và đang tăng giá hàng ngày.
Cũng mới đây, UBND Đắk Lắk gửi văn bản các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông và nhiều tỉnh, thành như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng…, nhờ hỗ trợ quảng bá, kết nối các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phân phối lớn nhằm thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng; tạo điều kiện trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk đi qua và đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo số liệu của UBND tỉnh, Đắk Lắk có khoảng 103.000 tấn sầu riêng và gần 40.000 tấn bơ cho thu hoạch từ tháng 8-10. Tuy nhiên, mặt hàng này có nguy cơ khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời gian bảo quản trái cây lại ngắn trong khi tỉnh chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản quy mô lớn.
Vướng đường vận chuyển
Trước các thông tin trái chiều liên quan đến nông sản Tây Nguyên (bơ và sầu riêng) rớt giá, gặp khó trong tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk cho biết, không nên bàn luận sâu khi vấn đề mấu chốt cần các bộ, sở, ngành xúc tiến nhanh chính là tháo gỡ khâu vận chuyển.
Nông dân thu hoạch sầu riêng |
Bản thân ông Chương đang đầu tư vườn sầu riêng 2 héc-ta ở Đam Rông (Lâm Đồng) giống Ri6 và Dona nhưng khó tiêu thụ. “Ri6 đợt đầu tôi bán cho thương lái ở địa phương được giá 27 nghìn đồng/kg, đợt sau còn 25 nghìn đồng/kg, sau nữa xuống 22 nghìn đồng/kg. Trong khi đó các thương lái quen ở các tỉnh khác mua giá cao hơn lại không dám vào do ngại về vấn đề kiểm soát phòng chống dịch và bây giờ không ai mua vì còn vài tạ trái mã không còn chuẩn; trong khi đó Dona đang vào vụ nhưng chỉ được trả giá 32 nghìn đồng/kg.
Bán không được, cho cũng không xong, tôi muốn gửi sầu riêng xuống TPHCM biếu người thân, bạn bè nhưng chẳng có đơn vị nào nhận giao tận nơi. Chính bản thân tôi đang gặp phải nên hiểu vấn đề cần tháo gỡ chính là khâu vận chuyển từ vùng sản xuất đến tay người tiêu dùng”, ông Chương nói.
Theo ông Chương, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội, lập chốt kiểm soát dịch ra vào địa phương khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Trái cây lại có đặc thù đến vụ sẽ thu trong khoảng thời gian nhất định, nhưng lại không được xếp vào hàng hóa thiết yếu.
Ông Chương cho biết thêm, chi phí vận chuyển tăng cao, chưa kể phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và nhân công bóc tách múi để cấp đông nên giá bơ, sầu riêng giảm là dễ hiểu nhưng không giảm đến nửa giá, ngoài ra, thương lái sẽ siết chặt khâu phân loại chất lượng sản phẩm. Hội cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh vào cuộc giải quyết vướng mắc trên.
Tác giả: Huỳnh Thủy
Nguồn tin: Báo Tiền phong