Cây cầu độc đáo có thể thay đổi chiều cao ở Hải Phòng xưa

Admin
Cầu Hạ Lý ra đời dựa theo thiết kế đột phá, có thể chủ động thay đổi chiều cao với một nhịp ở giữa tùy chỉnh nâng lên cho tàu thuyền qua lại...

Toàn cảnh cầu Hạ Lý ở Hải Phòng trong lễ khánh thành ngày 16/12/1937. Bắc qua sông đào Hạ Lý, cầu này là một trong những cây cầu có lịch sử lâu đời và thiết kế độc đáo của Hải Phòng xưa. 

Theo bản đồ thành phố Hải Phòng năm 1937, cầu Hạ Lý là điểm màu vàng. Việc đào sông Hạ Lý đã giải quyết nhu cầu giao thông đường thủy nhưng lại gây khó khăn cho việc dịch chuyển trên đường bộ. Từ năm 1923, người ta tìm cách xây một cây cầu mà không cản trở hoạt động của tàu thuyền. 

Sau khi xem xét nhiều phương án, chính quyền thuộc địa đã chọn một thiết kế độc đáo, là cây cầu với nhịp ở giữa có thể nâng lên cho tàu thuyền qua lại. Và cầu Hạ Lý ra đời dựa theo thiết kế đột phá này. 

Dầm giữa hai đầu cầu Hạ Lý đặt cột cao, có hai tảng bê-tông nặng, dùng tời để nâng nhịp giữa lên cho thuyền qua lại vào giờ quy định. Khi nhịp nâng lên thì hai tảng bê tông hạ xuống và ngược lại, khi nhịp giữa hạ thì chúng ở đỉnh hai cột cao. 

Ngoài cái tên Hạ Lý, cầu còn được gọi là cầu Thượng Lý, cầu Đất hoặc cầu Xi măng, vì nằm ở gần nhà máy Xi măng Hải Phòng. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cầu Hạ Lý ở Hải Phòng bị hư hỏng nhiều lần. Đặc biệt, cầu bị bom Mỹ đánh sập từ năm 1969. Sau Hiệp định Paris, cầu được sửa chữa. 

Đầu năm 1988, cầu được xây lại với kết cấu dầm thép tổ hợp và cố định các nhịp. Tháng 12/1999, cầu cũ được dỡ đi hoàn toàn, thay vào đó là một cây cầu bê tông dự ứng lực đúc kiên cố rộng rãi hơn cầu cũ. Cây cầu mới đi vào hoạt động với tên chính thức là cầu Thượng Lý. 

Tác giả: T.B

Nguồn tin: Báo Kiến thức