Phi công Mỹ từng báo lỗi kỹ thuật trên máy bay Boeing 737 Max

Admin
Các phi công báo cáo rằng lỗi hệ thống tự động dường như là nguyên nhân khiến phi cơ đột ngột nghiêng xuống.

 Một máy bay Boeing 737 Max 8 của American Airlines chuẩn bị hạ cánh tại sân bay LaGuardia, New York hôm 11/3. Ảnh: Aviation.

Theo bản báo cáo mà AP có được hôm 12/3, các phi công thuộc hai hãng hàng không Mỹ cho biết ngay sau khi kích hoạt chế độ lái tự động trên Boeing 737 Max 8, phần mũi máy bay chúc xuống rất nhanh.

Cơ trưởng trên chuyến bay thứ nhất nói rằng sau khi chuyển sang chế độ lái tự động, cơ phó hét lên rằng "máy bay đang lao xuống", theo sau đó là báo động âm thanh trong buồng lái: "Không hạ độ cao, không hạ độ cao".

Cơ trưởng lập tức ngắt kết nối lái tự động và máy bay trở lại trạng thái ổn định, tiếp tục tăng độ cao. "Với những lo ngại về phần mũi chúc xuống của MAX 8, cả hai chúng tôi đều cho rằng tình huống này nên được chú ý. Theo suy đoán của tôi, biến động tốc độ không khí có thể đã áp đảo quá trình tự động hóa của máy bay", các phi công cho hay.

Trên một chuyến bay khác, cơ phó cho biết chỉ vài giây say khi bật chế độ lái tự động, mũi máy bay chúc xuống và máy bay hạ độ cao 365-460m/ phút. Hệ thống cảnh báo độ cao của máy bay liên tục phát tín hiệu. Cơ trưởng ngắt kết nối lái tự động và máy bay tăng độ cao trở lại.

Phi công bàn luận về sự cố ngay sau đó nhưng họ không thể nghĩ ra bất kỳ lý do gì khiến máy bay hạ độ cao nhanh như vậy.

Các báo cáo này được nộp lên Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm ngoái. Đây là những báo cáo an toàn tự nguyện và không thể công khai tên phi công, hãng hàng không hoặc địa điểm xảy ra sự cố.

Không rõ liệu Cơ quan Quản lý Hàng không Mỹ (FAA) hoặc hãng hàng không mà các phi công này đang làm việc có hành động sau các báo cáo hay không.

Boeing 737 MAX 8 đang là tâm điểm chú ý toàn cầu sau hai vụ tai nạn chết người ở Indonesia tháng 10/2018 và ở Ethiopia hôm 10/3. Hơn 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cho dừng bay hoặc cấm dòng máy bay này đi vào không phận. Tuy nhiên tại Mỹ, FAA và các hãng hàng không tiếp tục cho phép máy bay này hoạt động.

Theo thông tin sơ bộ từ các nhà điều tra Indonesia, có thể công nghệ chống stall mới (anti-stall, viết tắt là MCAS) trên dòng Max là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn của máy bay Lion Air. Dữ liệu thu được từ hộp đen cho thấy các phi công đã vật lộn với phần mũi máy bay liên tục lao lên chúc xuống trước khi phi cơ đâm xuống biển Java, khiến 189 người thiệt mạng.

Sự cố "stall" là tình huống nguy hiểm mà phần chuyển động nâng của cánh máy bay không còn đủ để chống lại trọng lượng của nó, khiến cho máy bay bị mất kiểm soát và rớt. Tuy nhiên, hệ thống anti-stall chỉ được kích hoạt khi chế độ lái tự động bị tắt nên vấn đề mà các phi công báo cáo có thể không liên quan đến tai nạn của Lion Air.

FAA từ chối bình luận về báo cáo của các phi công, song nói rằng họ không ghi nhận bất kỳ báo cáo nào được xác minh về các vấn đề liên quan đến MCAS ở Mỹ.