'Ai cứu các công trình nước sạch ở Hải Phòng?': Chờ huyện 'phân xử'!

Admin
Như Báo NNVN đã thông tin, nhiều công trình nước sạch nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang có nguy cơ đắp chiếu vì chính quyền cấp phép chồng chéo, vi phạm Nghị định của Chính phủ.

Sau khi báo đăng, huyện Thủy Nguyên giao Phòng NN-PTNT làm rõ.

 Hệ thống nước sạch sinh hoạt xã Thiên Hương có nguy cơ “đắp chiếu” vì bị tranh giành thị phần. Ảnh: TG

Tại buổi làm việc giữa các bên ngày 10/5 vừa qua do Phòng NN-PTNT huyện chủ trì, gồm ông Bùi Văn Động là một số các cổ đông sáng lập của hệ thống nước sinh hoạt xã Thiên Hương; Cty CP Xây dựng và cấp nước Hải Phòng, chủ đầu tư NM nước sạch Dương Kinh; đại diện Đảng ủy, UBND xã Thiên Hương, các bên liên quan đã có những ý kiến bảo vệ quan điểm của mình.

Theo ông Đinh Khắc Quang, PGĐ Cty CP Xây dựng và cấp nước Hải Phòng, NM Nước Dương Kinh được UBND huyện cấp phép năm 2008 và đi vào hoạt động năm 2009. Ngoài một số vùng được cấp nước theo dự án đã duyệt, nhà máy đã mở rộng địa bàn cấp nước đến một số khu vực.

Ông Quang thừa nhận một số vùng thuộc xã Thiên Hương, nhà máy có lắp đặt đường ống chồng chéo lên đường ống của hệ thống nước sạch xã Thiên Hương đã có từ trước. “Chúng tôi thực hiện điều này là do sự cấp phép của UBND huyện, UBND xã chứ không thể tự ý mang đường ống đến lắp đặt”, ông Quang phân trần.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc giữa các bên ngày 10/5, ông Quang không đưa ra được bằng chứng bằng văn bản cho thấy có sự đồng ý của huyện, xã. Lý do duy nhất để “bào chữa” cho hoạt động lắp đặt đường ống chồng chéo của NM Nước Dương Kinh được ông Quang đưa ra là, tại một số vùng của xã Thiên Hương, người dân “thích” dùng nước sạch của Dương Kinh.

Ông Nguyễn Trịnh Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thủy Nguyên, người chủ trì phiên “điều trần” giữa các bên, thì cho rằng, cho dù NM Nước Dương Kinh có lý lẽ bằng cách nào đi chăng nữa, hoặc có sự cho phép của bất cứ cấp nào, thì việc lắp đặt đường ống chồng chéo cũng vi phạm Điều 32, Nghị định 117/2007 của Chính phủ quy định về phạm vi, nhà cung cấp dịch vụ nước sạch nông thôn.

Một trong những nội dung được ghi rõ trong Điều 32 là “một đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch sinh hoạt có thể cung cấp cho nhiều vùng, nhưng trong một vùng chỉ có một đơn vị được cung cấp”. Đây là căn cứ để thấy NM Nước Dương Kinh đang vi phạm pháp luật.

“Hệ thống nước sạch xã Thiên Hương đi vào hoạt động từ năm 2000, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hầu hết các hộ dân trong xã. Trong quá trình cấp nước, các cổ đông cũng đã từng bước đầu tư, mở rộng hệ thống, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, công trình cũng có một phần vốn Nhà nước đầu tư. Do đó, việc lắp đặt chồng chéo đường ống, tranh giành thị phần cấp nước, là vi phạm Nghị định của Chính phủ, bất luận vì lý do gì”, ông Trọng khẳng định.

Cũng tại cuộc làm việc, ông Trọng cho hay, từ thời điểm này, NM Nước Dương Kinh không được lắp đặt hay phát sinh điểm cấp nước sạch mới tại xã Thiên Hương cho đến khi huyện có ý kiến chính thức về vấn đề này.

Ngoài ra, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tham mưu cho lãnh đạo huyện xử lý dứt điểm, bảo vệ Nhà máy nước sạch xã Thiên Hương nói riêng và các công trình nước sạch đã được xã hội hóa trên địa bàn nói chung. “Quan điểm của chúng tôi là thượng tôn pháp luật. Ở trường hợp này, Nghị định 117 của Chính phủ là văn bản pháp luật cao nhất, và cứ theo Nghị định mà thực hiện”, ông Trọng nói.

Hy vọng với cách xử lý công khai, minh bạch, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên sẽ có ngay những giải pháp kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi của các công trình nước sạch ở nông thôn, tránh tình trạng tranh giành thị phần và vi phạm nghị định của Chính phủ.