Bạn cần biết

Mỗi ngày ăn một quả cam, nhớ 5 'không' này để tránh rước họa vào thân

Cam gần như là loại quả được nhắc đến nhiều nhất khi nói về nguồn vitamin C tự nhiên rất tốt. Tuy nhiên không phải ai cũng biết ăn cam đúng cách tốt cho sức khỏe.

Cam là loại quả rất quen thuộc với người Việt, không chỉ rẻ mà cam còn rất tốt cho sức khỏe. Trong cam chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, acid citric, glucose… có thể đáp ứng nhiều nhu cầu cơ bản của cơ thể con người. Đặc biệt, cam trở thành thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong mùa dịch Covid-19 để giúp tăng đề kháng. Một quả cam chứa vừa đủ lượng vitamin C cho cả ngày, ngoài ra còn giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.

Cụ thể, người ta tính ra trong mỗi 100 gr quả cam có chứa 87,6 g nước, 1.104 microgram carotene, 30 mg vitamin C, 10,9 g chất tinh bột, 93 mg kali, 26 mg canxi, 9 mg magnesium, 0,3 g chất xơ, 4,5 mg natri, 7 mg chromium, 20 mg phốt pho, 0,32 mg sắt và giá trị năng lượng là 48 Kcal...

Không chỉ vậy, trong quả cam có một lượng lớn hợp chất D - limonene. Đây là chất có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ phát triển các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư da, ung thư dạ dày, đại tràng...

Ngoài ra, ăn cam mỗi ngày có thể giúp trí óc thêm nhạy bén và một quả cam cỡ trung bình cung cấp vừa đủ lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày để duy trì sức khỏe. Vitamin thiết yếu này cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ chống lại các gốc tự do có thể gây tổn thương cho các tế bào não.

Theo các chuyên gia trên Brightside cũng nhấn mạnh, dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cam không phải thuốc chữa bệnh. Việc bổ sung cam vào thực đơn hằng ngày cần phù hợp với thể trạng của từng người.

Ăn cam thường xuyên và đúng cách rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Mặc dù ăn cam rất bổ dưỡng nhưng nếu bạn ăn cam hàng ngày thì cần chú ý những điều sau để tránh rước họa vào thân:

- Không nên ăn cam với sữa: Trong sữa có Protein, chất này dễ dàng phản ứng với axit trái cây và vitamin C trong cam, đông đặc lại thành một khối, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ mà còn gây chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Vì vậy, không nên uống sữa trong vòng 1 giờ trước và sau khi ăn cam.

- Không nên ăn cam với củ cải: Mặc dù quả cam có nhiều lợi ích, được ăn thường xuyên, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều với củ cải. Bởi khi củ cải đi vào cơ thể người, nó sẽ nhanh chóng sản sinh ra một chất có tên là sulfat và chất này sẽ chuyển hóa để tạo ra một chất kháng tuyến giáp - thiocyanate. Có thể bạn chưa biết, nếu bạn ăn cam vào thời điểm này, flavonoid trong cam sẽ bị phân hủy trong ruột, chuyển hóa thành axit hydroxybenzoic và axit ferulic, có thể tăng cường tác dụng ức chế của thiocyanate đối với tuyến giáp, do đó có thể gây ra bướu cổ.

- Không ăn quá nhiều một lúc: Quả cam cũng chứa rất nhiều caroten, nếu ăn quá nhiều một lúc hoặc dùng quá nhiều trong thời gian, nồng độ caroten trong máu quá cao sẽ khiến da chuyển sang màu vàng.

- Không ăn cam trước bữa ăn hoặc lúc bụng đói: Ăn cam vào thời điểm này không tốt cho sức khỏe bởi các axit hữu cơ trong cam sẽ kích thích niêm mạc thành dạ dày không tốt cho dạ dày của bạn.

- Không nên ăn cam vào buổi tối: Uống nước cam có tác dụng sinh tân dịch và lợi tiểu, dễ gây đi tiểu đêm làm mất ngủ. Ngoài ra, trước khi đi ngủ, nếu bạn uống nước cam, nước bọt không tiết nhiều như khi bạn còn thức, lượng a xít còn bám trên răng sẽ tấn công và làm hổng lớp men răng.

Lưu ý: Nước cam tốt nhất nên uống vào lúc không no, không đói - tức sau khi ăn 1 - 2 giờ.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP