Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa: Tách bạch với in ấn, phát hành

Admin
Tại cuộc họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo, đại diện một số hiệp hội mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GDĐT tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao, tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.

 Cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK.

Cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK

Một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chính là vấn đề hình hài của bộ SGK sẽ ra sao? Bởi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc cho phép một chương trình nhiều SGK khiến không ít giáo viên vốn đang quen với việc dạy học bám sát hoàn toàn theo SGK cảm thấy lúng túng. Mặc dù công tác bồi dưỡng giáo viên các cấp theo chương trình GDPT mới đã bắt đầu được triển khai nhưng một sản phẩm cụ thể, chi tiết hóa chương trình môn học mới đã được công bố là điều tất cả xã hội đều quan tâm trông đợi. Ngay cả GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình GDPT mới từng bày tỏ: “ Tôi hoàn toàn yên tâm về chương trình, còn về SGK thì thú thật chưa biết thế nào”.

Đề nghị Bộ GDĐT cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK theo chương trình mới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh ông “lo về chương trình một thì lo về SGK gấp mười”.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ GDĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ SGK chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao. Tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.

“Bên cạnh nội dung kiến thức trong chương trình, SGK mới không thể thiếu nội dung dạy đạo đức, dạy làm người cho học sinh từ lời ăn, tiếng nói, câu chào đến hát quốc qua, tập thể dục, giữ vệ sinh chung”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Góp ý về SGK, GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị kiểm tra chặt chẽ quy trình biên soạn các bộ SGK theo chương trình mới. Cùng với đó, phải có cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thì mới triển khai hiệu quả chương trình, SGK mới.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong triển khai chương trình, SGK mới.

Đối với công tác khuyến học, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng học tập, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Tới đây, không chỉ học liệu, bài giảng điện tử mà toàn bộ nội dung các chương trình, hoạt động giáo dục tại trường học cần đưa lên Hệ tri thức Việt số hoá để cộng đồng cùng khai thác, sử dụng, giám sát.

Tiến tới trường ĐH tuyển sinh nhiều lần trong năm

Đối với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong quá trình chuẩn bị cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi mẫu cần chuẩn bị tốt.

“Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường ĐH cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm”- Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện nhu cầu học liên thông từ các trường nghề lên cao đẳng, ĐH ngày càng nhiều. Bộ trưởng mong muốn có các cuộc họp, giao ban với lãnh đạo Bộ LĐTBXH về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thanh Long lưu ý Bộ GDĐT cần đẩy mạnh phân luồng đào tạo nghề từ bậc THCS, đổi mới cơ chế tài chính để theo kịp sự phát triển của giáo dục, nhất là bậc ĐH.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GDĐT từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm. Có như vậy, mới giải quyết căn bản câu chuyện biên chế giáo viên.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục quyết liệt thay đổi nếp quản trị, xây dựng đạo đức lối sống, văn hoá… trong trường học. “Thực hiện đúng 5 điều Bác Hồ dạy từ những việc cụ thể như giữ gìn vệ sinh, yêu lao động thì trường lớp phải sạch sẽ”- Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ GDĐT phải bám sát việc triển khai chương trình kiên cố hoá trường học, đầu tư cho một số ĐH lớn.

Đối với các trường nghề, bên cạnh kiện toàn cơ sở vật chất, cần tạo điều kiện hơn nữa cho nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, ĐH.

“Quy hoạch các trường nghề không nên hiểu máy móc, cứng nhắc. Điều cần thiết là cơ chế để phát huy được tối đa cơ sở vật chất đào tạo nghề hiện này. Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với trường ĐH, cao đẳng trong đào tạo một số nghề có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch”- Phó Thủ tướng nói.