Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định như vậy tại buổi làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước chiều ngày 16/8.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở. |
Nhiều thí sinh điểm cao không mặn mà với ngành sư phạm
Theo số liệu thống kê đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm chính quy 2017, trong số 673 ngành đào tạo sư phạm có thí sinh trúng tuyển, có 23 ngành lấy điểm xét tuyển từ 25 trở lên (điểm trúng tuyển trung bình là 27,75 điểm); 158 ngành lấy điểm xét tuyển từ 20 đến dưới 25 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 23,35 điểm); 302 ngành lấy điểm xét tuyển từ 15,5 đến dưới 20 điểm (điểm trúng tuyển trung bình là 20 điểm); đặc biệt có 197 ngành tuy lấy điểm xét tuyển dưới 15,5 điểm song mức điểm trúng tuyển trung bình vẫn đạt 17,5 điểm. Như vậy, có rất nhiều thí sinh nhập học đạt điểm cao hơn mức điềm chuẩn đầu vào mà các trường sư phạm đặt ra.
Trong khi đó, số lượng thí sinh nhập học có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn rất ít. Cụ thể, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế chỉ có chưa đến 1% thí sinh có điểm trúng tuyển ở mức 15.5 điểm; Trường Đại học Vinh chỉ có 44/638 thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm dưới 18 điểm, trong đó chỉ có 2 em có điểm trúng tuyển ở mức 15,5 điểm (đăng ký vào ngành giáo dục quốc phòng an ninh).
Tuy vậy, việc một số trường đưa ra mức điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp đã khiến cho xã hội lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Mặc dù điểm trúng tuyển các trường sư phạm tính trung bình cao hơn năm ngoái song nhìn vào bức tranh chung tuyển sinh sư phạm năm nay có thể thấy nhiều thí sinh điểm cao không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường mặc dù đưa ra điểm đầu vào thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Nguyên nhân được các trường đưa ra là do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, vì thế, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Nhiều thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm từ thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt: Vào “biên chế” khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy, khó có thể cạnh tranh với các ngành khác và khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.
Dừng đào tạo với những ngành học không đảm bảo chất lượng, dư thừa
Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế trong đào tạo sư phạm thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào.
Bộ trưởng yêu cầu đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ sang năm Bộ sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh; những ngành đủ điểu kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm.