Tại hội thảo khoa học góp ý về các quy định về tự chủ và quản lý Nhà nước trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra ở ĐH Luật TP.HCM sáng 16/1, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề đưa điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (ban phụ huynh) vào luật.
Góp ý về điều 102 dự thảo Luật Giáo dục về quản lý Nhà nước, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng không nên đưa quy định về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh vào Luật Giáo dục.
TS Thái Thị Tuyết Dung đặt câu hỏi về vai trò của hội đại diện cha mẹ học sinh trong trường học. Ảnh: M.N. |
“Con và cháu tôi đều học trường tư và không có ban đại diện. Vấn đề này có ràng buộc với trường tư hay trường công, nếu là trường công thì tại sao phải bắt buộc. Đồng ý ban đại diện vẫn có những mặt làm được nhưng trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều thông tin về ban đại diện phụ huynh lạm thu, liệu có cần thiết hay không", bà Dung đặt vấn đề.
Theo nữ tiến sĩ, nên bỏ quy định về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh vì hiện nay các cơ sở giáo dục tư thục không có ban này, vẫn hoạt động bình thường. Ban đại diện là tự nguyện, không nên thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT.
Trong bối cảnh phát triển về công nghệ thông tin, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường rất thuận lợi, hội cha mẹ học sinh chỉ nên là tổ chức tự nguyện. Trường hợp bắt buộc phải có ban đại diện này đối với các cơ sở giáo dục thì cần xác định rõ, nếu không thành lập có bị xử lý gì không.
Trái với quan điểm của TS Dung, PGS.TS Phan Nhật Thanh, ĐH Luật TP.HCM cho rằng không thể bỏ điều lệ về ban đại điện cha mẹ học sinh, vì đang thực hiện xã hội hóa giáo dục, nếu không có ban này thì ai làm. Có chăng, Luật Giáo dục nên làm rõ vai trò của họ để hỗ trợ cho xã hội hóa giáo dục.
“Tôi có mặt trong ban đại diện nhiều năm, không nên nói ban đại diện lợi dụng quyền hạn để lạm thu. Chúng tôi đóng góp ý kiến về chương trình, cách để các cháu học tốt hơn”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng nên đưa điều lệ thành lập và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh vào Luật giáo dục. Ảnh: M.N. |
Chia sẻ với tư cách phụ huynh và là người có mặt trong ban đại diện nhiều năm, bà Trịnh Anh Nguyên - ĐH Luật TP.HCM - nêu quan điểm việc thành lập ban đại diện phụ thuộc mỗi trường, tùy thuộc đó là cơ sở công hay tư.
Dù thừa nhận thực tế nhiều nơi ban đại diện chỉ xuất hiện khi nhà trường cần huy động tiền, bà Nguyên cho rằng các trường công cần có ban đại diện cha mẹ học sinh, còn trường tư, đặc biệt trường quốc tế, không quá cần thiết.
“Mỗi vấn đề luôn có mặt tích cực và tiêu cực. Những ban đại diện mà tôi có mặt, nếu họ không chuyên nghiệp, tôi sẽ không tham gia. Tôi nghĩ ban đại diện cần được tập huấn kỹ năng. Nên chăng luật cũng quy định rõ ràng, việc có hay không không quan trọng bằng nó hoạt động như thế nào”, bà Nguyên nói.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, đánh cao vai trò của ban đại diện cho mẹ học sinh ở trường. Mỗi trường có sự hoạt động khác nhau, nhưng để hoạt động được hiệu quả thì cần có sự phối hợp giữa ban và nhà trường.
Theo thầy Phương, không nên bỏ điều lệ về ban đại diện cha mẹ học sinh trong luật, vì nếu bỏ đi thì không thể xây dựng những quy định về hình thức hoạt động của ban này. Thực ra nhiều trường có những quy định chặt chẽ về việc thu chi của hội cha mẹ học sinh, không phải nơi nào cũng xảy ra việc lạm thu.