|
Gần kết thúc năm học, là một cô giáo, tôi vẫn cảm thấy trăn trở khi biết không ít em đang "ngồi nhầm lớp" mà chẳng biết làm sao để thay đổi, không đủ quyền để thay đổi.
Tôi là cô giáo một trường cấp 2 tại Hà Nội. Là người đứng lớp nên tôi hiểu học lực của học sinh. Bởi thế, mỗi khi kết thúc học kỳ hay năm học, tôi luôn mang nặng một nỗi niềm một thứ mang tên: GIẤY KHEN.
Tôi chỉ mong thầy cô được trao quyền thực sự, tức là không "tô hồng" chất lượng học sinh. Nhưng ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi thầy cô hết lòng vì học trò, kèm cặp, bổ túc cho học trò yếu kém bất cứ lúc nào có thể để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Bởi vì trường tôi là trường chuẩn nên không thể có chuyện để học sinh ở lại lớp, phải tăng tỉ lệ học sinh giỏi lên… Nhưng có một điều khiến tôi khổ tâm nhất đó là, học sinh lẽ ra bị lưu ban vẫn phải lên lớp.
Năm nào tôi cũng có bức xúc của riêng mình, nhưng đồng nghiệp khuyên tôi nên vâng lời cấp lên. Tức là, nếu học sinh học yếu thì phải hết lòng kèm cặp. Nếu học sinh thi chưa qua thì phải tạo điều kiện để các em thi qua, thi đến lúc nào đạt mới thôi. Và một thầy giáo còn nói: "Để học sinh ở lại lớp tức là bỏ rơi các em".
Tôi không nghĩ thế, mà tôi cho rằng các em cứ phải chèo chống, cứ phải bơi mỏi mệt, quá sức là một môi trường giáo dục phản khoa học, thiếu nhân văn. Nếu không phân loại rõ ràng, không mạnh tay cho trò ở lại lớp chẳng khác gì hại các em.
Nói là nói thế, nghĩ là nghĩ vậy nhưng bản thân những thầy cô giáo như chúng tôi có quyền gì?
Trong đời cầm phấn của mình, không dưới năm lần tôi muốn cho học sinh được lưu ban. Nhưng tất cả những lần đó, tôi đều thất bại. Để rồi, tự khi nào, tôi như đồng lõa với việc "nói không với ở lại lớp".
Tôi như bị lạc trong vòng vây của lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh. Không quá khi nói rằng có lúc tôi thấy mình lực bất tòng tâm bởi cái quyền nhỏ nhoi cho trò ở lại lớp cũng không nằm trong tay mình.
Chúng tôi vẫn nói đùa, dù chua chát nhưng thực tế rằng cho "khống" học trò giấy khen thì dễ chứ chuyện đặt bút cho học sinh lưu ban rất khó.
Chúng tôi hằng ngày giảng dạy, nên nắm rất rõ lực học của từng em, đến việc phê bình thẳng thật cũng không được vì những lý do tế nhị. Rồi không thể để lớp có quá ít giấy khen và rất nhiều điều lệ khác.
Bản thân giáo viên chúng tôi chẳng phải ai cũng chạy theo thành tích, nhiều khi xót xa, thậm chí dằn vặt vì phải "vâng lời" cấp trên mà làm ngơ cho học sinh yếu kém lên lớp.
Và cho đến bây giờ, tôi luôn ám ảnh, day dứt với lời nói của cô hiệu trưởng từng nói với mình: "Chúng ta không thể phá hoại hình ảnh của trường mình được".
Chúng tôi đâu thể trái lời của cấp trên? Những lúc ấy, tôi thấy thân giáo viên của mình chẳng khác gì con chạch trong giỏ cua, bất lực trước một thực tế muốn được sống với cái tâm của nhà giáo cũng khó.
Tôi cũng thấy thương học trò khi cố gắng nhồi nhét các em trong những buổi tranh thủ bổ túc kiến thức. Tôi cũng thấy xấu hổ với lương tâm khi đều như vắt chanh hằng năm cho học trò lên lớp trong khi biết rõ em sẽ cứ trượt dài trong cuộc đua của người lớn.
Có em được tôi kèm cặp suốt thời gian rảnh rỗi trong năm học, đánh vật, miệt mài với bài vở là vậy nhưng cũng tiến bộ chẳng được bao nhiêu. Lúc nào em cũng kêu chán. Tôi hiểu nỗi khổ của em nhưng tôi chẳng biết làm gì để giúp các em cả.
Tự lúc nào việc cho học sinh lưu ban lại khó khăn đối với chúng tôi đến như vậy?
Tác giả: NGỌC LIÊN
Nguồn tin: tuoitre.vn