Hải Phòng: Bỏ tiền phá dỡ dự án trăm tỷ làm xong “đắp chiếu”

Admin
Dự án khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Cát Bà - Hải Phòng triển khai từ năm 2006, sau 4 lần phê duyệt điều chỉnh “đội vốn” lên tới 184,1 tỷ đồng.

 Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cát Bà


Tuy vậy, do những bất cập ngay từ khâu thiết kế nên chẳng tàu, thuyền nào dám vào neo đậu. Tới nay, chủ đầu tư lại phải bỏ lượng kinh phí lớn để phá dỡ một số hạng mục của dự án.

“Ngồi trong phòng lạnh vẽ dự án”?

Nếu không được giới thiệu từ trước, ít ai có thể tưởng tượng ra được bãi cọc lô nhô cắm dưới vịnh nước Trân Châu (xã Trân Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng) là dự án Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Cát Bà. Một khu vực rộng hàng chục ha mặt nước được người ta cắm xuống những hàng cọc bê tông lô nhô, bán kính khoảng 1m.

Chỉ vào hàng trụ cọc, ông Bùi Văn Hải, một ngư dân tại đảo Cát Bà bức xúc: “Trước đây khu vực này là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân, đặc biệt mỗi khi mùa mưa bão hàng trăm tàu thuyền khắp nơi về đây neo đậu. Tuy vậy, nghịch lý là từ khi dự án hoàn thành không tàu nào dám vào. Mỗi khi muốn vào neo đậu tàu tại vịnh, chúng tôi phải điều khiển tàu đi tránh xa hàng cọc rồi vào khu vực nằm ngoài khu neo đậu”.

Theo tìm hiểu, dự án được triển khai từ năm 2007, hoàn thành năm 2012 do Sở NN&PTNT Hải Phòng làm chủ đầu tư. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Cát Bà - Hải Phòng và các khu vực lân cận với năng lực tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lụt gây ra. Dự án có mức đầu tư 184,1tỷ đồng từ ngân sách T.Ư và TP Hải Phòng, triển khai trên quy mô 54,45ha. Phương án neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão được chủ đầu tư và các đơn vị thiết kế, thi công thực hiện là xây dựng 9 trụ neo loại lớn, 106 trụ neo loại nhỏ dưới nước; 1 cột đèn báo hiệu và hệ thống 10 phao tiêu báo hiệu, ngoài ra còn các hạng mục như nạo vét luồng, xây bờ kè…

Ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trân Châu phản ánh, dự án được hoàn thành, bàn giao từ khoảng năm 2014 nhưng hoàn toàn không có tác dụng gì. Từ khi hoàn thành tới nay chẳng một tàu thuyền nào dám vào khu bãi trụ cọc này. Mỗi khi có bão, tàu thuyền chỉ vào những khu vực sát khu neo đậu tàu thuyền mà không vào bãi cọc. “Có lẽ khi thiết kế dự án người ta đang ngồi trong phòng máy lạnh nên mới nghĩ ra cái hàng cọc ấy. Chúng tôi là người miền biển biết rõ nơi này sóng to, gió lớn, nếu neo đậu tàu thuyền vào mấy hàng cọc bê tông ấy thì chỉ cần vài con sóng, tàu sẽ va vào hàng cọc mà vỡ. Chính vì vậy, suốt mấy năm qua dự án thay vì giúp tàu vào tránh trú bão lại trở thành bãi cọc ngăn tàu vào đây tránh bão!”, ông Hoàn nói.

Tốn công phá bỏ

Đảo Cát Bà được xác định là một trong những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực Bắc Bộ. Hàng trăm tàu cá của ngư dân khắp cả nước khi đánh bắt cá tại khu vực vịnh Bắc Bộ về neo đậu trong khu vực cảng cá Cát Bà. Vì vậy, Bộ NN&PTNT và TP Hải Phòng mới quyết định xây dựng khu neo đậu tàu tránh, trú bão tại vịnh Trân Châu (cách cảng cá Cát Bà 3km). Thế nhưng, tác dụng của dự án này gần như không có khiến Nhà nước lãng phí hàng trăm tỷ đồng.

Gần đây, trước nhu cầu phát triển du lịch của khu vực thị trấn Cát Bà, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch cảng cá Trân Châu thành cảng cá loại I để di chuyển cảng cá Cát Bà về đây. Tuy vậy, muốn vào được cảng cá Trân Châu, tàu thuyền phải đi qua khu neo đậu tàu thuyền, do đó đơn vị thi công phải tiến hành nhổ một số hàng cọc vốn được thiết kế làm nơi neo tàu.

Ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trân Châu thông tin: “Hiện, các đơn vị thi công đã phá dỡ một số cọc trụ nhưng công tác phá dỡ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi thấy nếu có điều kiện thì nên phá bỏ toàn bộ những hàng cọc vô bổ này. Tuy vậy, có lẽ việc phá dỡ tốn nhiều kinh phí nên họ chỉ phá dỡ một số hàng cọc để tàu thuyền đi vào dễ dàng mà thôi".

PV đã nhiều lần liên hệ với Sở NN&PTNT Hải Phòng để tìm hiểu về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với dự án này nhưng vẫn chưa có được câu trả lời.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án đội vốn tăng gấp 3 lần và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2017 (chậm 8 năm). Cụ thể, dự án được phê duyệt lần đầu năm 2005 với tổng mức đầu tư 64,1 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2006-2009. Sau 4 lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được duyệt lần cuối tại quyết định của Bộ NN&PTNT ngày 29/10/2013 là 184,9 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần. Không những vậy, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai sót như hồ sơ thiết kế không đầy đủ chỉ dẫn kỹ thuật, không thống nhất.