Hiện trạng dự án mở rộng đường nối từ cầu Lạng Am đến cầu Nhân Mục. |
Trong đơn gửi đến báo Kinh tế & Đô thị, ông Khúc Phương Trình cho biết: Gia đình ông được cấp sổ đỏ đất thổ cư mang tên vợ ông là Phạm Thị Huệ, tổng diện tích 127m2 từ năm 2011. Từ đó đến nay, gia đình ông sinh sống yên ổn, nộp thuế đầy đủ và không có tranh chấp gì. Khi có dự án mở rộng đường, gia đình ông cùng với nhiều hộ khác thực hiện theo đúng chủ trương của TP. Chỉ đến khi UBND huyện đưa thông báo về phương án bồi thường thì ông mới phát hiện có nhiều vấn đề.
Cụ thể: Vào những năm 1999 - 2000, khi Trung tâm Y tế Vĩnh Bảo dự kiến lấy một phần đất của 6 hộ liền kề, trong đó có gia đình ông để phục vụ cho bệnh viện, thì tại biên bản xác định ranh giới mốc giới thửa đất thể hiện phần lưu không của các hộ là 12,5m ra sát mép sông Chanh Dương. Biên bản này có đầy đủ chữ ký của các cơ quan có thẩm quyền và đóng dấu đầy đủ.
Trong khi đó, đối với các hộ này gồm ông bà Nguyễn Thị Cuối, Nguyễn Trọng Cần, Nguyễn Hữu Tĩnh, Nguyễn Trung Hà, Trần Thị Cộng được cấp năm 2011 thì đất lưu không thể hiện là 18,5m ra sát mép sông Chanh Dương. Riêng hộ gia đình ông thì bìa đỏ thể hiện phần đất lưu không là 11m.
Vì thế để tiến hành bồi thường cho gia đình ông, thì UBND huyện chỉ chấp nhận bồi thường một phần tài sản của căn nhà trên nền diện tích 3,5m chứ không bồi thường phần đất nằm trong bìa đỏ tổng là 13,3m2.
Cho rằng việc bồi thường của chính quyền huyện là không thỏa đáng, nên gia đình ông đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét lại nguyện vọng cho gia đình. Nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong đơn ông Trình còn cho rằng, do chưa giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của gia đình ông nhưng cơ quan chức năng vẫn tổ chức cưỡng chế ,và cắt một phần căn nhà mà gia đình ông đang buôn bán khiến cho gia đình ông không còn điểm kinh doanh, hàng hóa ứ đọng, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
Hơn thế nữa trong thời gian các cơ quan chức năng đã không nhất quán về cách tính chỉ giới lưu không, trong vòng 8 năm mà có tới 4 cách tính mốc giới. Nên người dân rất băn khoăn về cách áp mốc giới ở thời điểm hiện tại là 16m thì chính quyền huyện căn cứ vào đâu để tính?
Văn bản vụ việc |
Cơ quan chức năng nói gì?
Căn cứ vào văn bản số 1575 ngày 30/7/2018 của UBND huyện Vĩnh Bảo thể hiện, cả 6 hộ liền kề nói trên dựa vào trích lục bản đồ xin giao đất làm nhà ở, và căn cứ vào Quyết định số 479/QĐ ngày 22/10/1997 của UBND huyện về việc chuyển đổi đất của hộ gia đình bà Phạm Thị Huệ, đều thể hiện vị trí thửa đất cách tim đường là 12,5m. Đến ngày 14/9/2011 UBND huyện Vĩnh Bảo cấp cho hộ bà Huệ Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ) tại thửa 143, tờ bản đồ số 70 có diện tích 127m2, được giao cách mép bờ vỉa kênh Chanh Dương là 11m.
Như vậy, dù hộ bà Huệ đã có bìa đỏ đất thể hiện rõ, nhưng UBND huyện vẫn không thừa nhận GCNQSĐ này nên hộ bà Huệ không được bồi thường về đất. Chỉ bồi thường tài sản trên diện tích đất thu hồi trong phạm vi của GCNQSĐ.
Việc UBND huyện cho rằng “Căn cứ vào các tài liệu trên gồm kết quả kiểm tra hiện trạng ngày 22/7/2018? Đã đủ cơ sở để UBND thị trấn xác định việc mốc giới cách mép bờ vỉa hè sông Chanh Dương 16m là phù hợp liệu đã thấu tình đạt lý? Trong khi đó bìa đỏ của các hộ dân nói trên thể hiện chỉ giới lưu không 18,5m?
Tại thông báo số 50/TB-UBND thị trấn Vĩnh Bảo ngày 23/4/2018 về việc giải quyết đơn kiến nghị của ông Trình về việc đề nghị xem xét bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông thì vẫn khẳng định tại các hồ sơ lưu đều thể hiện mốc giới của nhà bà Huệ là 11m. “Như vậy phần lưu không sông đã bị in sai là 11,0 không khớp với hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã được lập (!?) UBND thị trấn đề nghị UBND huyện, Phòng tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Vĩnh bảo xin lỗi công dân về sai sót khi in ấn”.
Rõ ràng có nhiều vấn đề cần được chính quyền thị trấn, huyện Vĩnh Bảo cần xem xét lại về việc xác định bồi thường cho gia đình ông Trình. Bởi 8 năm qua hộ ông này vẫn ổn định sinh sống tại phần đất nhà mình. Đến khi có chủ trương dự án thu hồi mở rộng làm đường, thì các hộ dân mới tá hỏa vì có nhiều sai sót và nhiều điểm bất thường tại các văn bản của chính quyền địa phương. Ông Trình cho rằng là người dân chỉ biết tin tưởng vào pháp lý thể hiện bằng giấy trắng mực đen như sổ đỏ đất nhà ông là bằng chứng lớn nhất. Bây giờ nếu là lỗi ở chính quyền chẳng lẽ cứ gửi thông báo và xin lỗi người dân là xong.
Theo ông Lã Viết Nam - Trưởng văn phòng Luật Nhân Ái Hải Phòng cho biết: Trường hợp hộ gia đình ông Khúc Phương Trình có căn cứ pháp lý là bìa đỏ đất cấp cho hộ bà Huệ GCNQSĐ tại thửa 143, tờ bản đồ số 70 có diện tích 127m2. Đây được coi là cơ sở pháp lý hợp lệ để UBND huyện lấy đó làm căn cứ để tính bồi thường 100% giá trị về đất, 100% giá trị tài sản trên đất.