Hải Phòng: Xóa lồng sắt trái phép ở các chung cư

Lan Anh
Thời gian qua, với quyết tâm cao và bằng nhiều biện pháp, TP Hải Phòng đã từng bước tháo dỡ lồng sắt tại các khu chung cư nhằm mở lối thoát hiểm trong phòng cháy chữa cháy.
long-sat-1707186013.jpg

Hải Phòng khẩn trương tháo dỡ lồng sắt tại các khu chung cư. Ảnh: P.Thanh.

Những tín hiệu vui

Hiện, Hải Phòng có khoảng 205 chung cư với 8.000 căn hộ, phần lớn đều có tuổi đời hàng chục năm. Do điều kiện sinh hoạt chật chội và để phòng ngừa tai nạn, trộm cắp, hàng nghìn hộ dân đã cơi nới, xây dựng trái phép lồng sắt ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Để ngăn chặn, giảm thiểu những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là đối với loại hình chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, các ngành chức năng của Hải Phòng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ lồng sắt mở lối thoát nạn thứ 2.

Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo Công an các địa phương giám sát việc tổ chức tháo dỡ lồng sắt tại các căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước của UBND các địa phương và Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng. Trong quá trình thực hiện tháo dỡ, an ninh trật tự, an toàn phải được đảm bảo tuyệt đối.

Cuối tháng 12/2023, vụ cháy tại số nhà 37, cầu thang 2 thuộc khu tập thể 5 tầng Tô Hiệu (phường Hồ Nam, quận Lê Chân) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy, nổ tại các khu chung cư. Nhờ phá bỏ lồng sắt cũ, gia đình anh Vũ Phong (33 tuổi, ở khu tập thể 5 tầng Tô Hiệu) may mắn thoát nạn. Từ đây, những người dân sinh sống tại khu tập thể này đã nhận thức rõ về việc vì sao các ngành chức năng cương quyết tháo dỡ lồng sắt, buồng lồi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hải Phòng) cho rằng công tác tuyên truyền nắm vai trò quan trọng nhất, quyết định phần lớn thành công của chiến dịch tháo dỡ lồng sắt. Ngay từ ngày đầu triển khai, lực lượng Công an đã phối hợp với UBND cấp quận, huyện tổ chức tuyên truyền 1368 lượt trên loa phát thanh các địa phương về các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ và cách thức xử lý khi có cháy, nổ, đặc biệt là kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố. Gần 60 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 1348 người; 288 lượt tuyên truyền lồng ghép qua sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố đã được tổ chức đan xen...

Công an các địa phương phối hợp với UBND các phường và Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng tới từng tổ dân phố, từng hộ dân để vận động người dân tự giác tháo dỡ lồng sắt, buồng lồi, mở lối thoát nạn thứ 2. Tư duy của người dân đã dần thay đổi.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 1/2024, quận Kiến An đã tháo dỡ triệt để 117/118 trường hợp. Còn 1 trường hợp chưa tháo dỡ do nguyên nhân khách quan từ việc chủ nhà hiện không có mặt tại địa phương.

Quận Hồng Bàng đã tháo dỡ triệt để 387/418 trường hợp, đạt tỷ lệ khoảng 92%. Quận Ngô Quyền đã tháo dỡ triệt để 324/1267 trường hợp (chiếm tỷ lệ khoảng 25%), còn 424 trường hợp vi phạm đã tổ chức tháo dỡ, tuy nhiên chưa triệt để. Trong đó, phường Cầu Tre còn 245 trường hợp; phường Lạch Tray còn 79 trường hợp; phường Vạn Mỹ còn 100 trường hợp. Ngoài ra, tất cả các trường hợp vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, mái che, mái vẩy gây cản trở công tác phòng cháy, chữa cháy tại 12 ngõ vào các khu chung cư tại phường Vạn Mỹ đã được tháo dỡ hoàn toàn.

Tiếp tục làm quyết liệt

Theo Đại tá Phạm Viết Dũng - Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, qua rà soát thực tế, tại quận Lê Chân vẫn còn tình trạng tháo dỡ chưa triệt để, còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, tại khu tập thể phường Hồ Nam có 8 trường hợp chưa tháo dỡ lồng sắt, 15 trường hợp xây tường gạch, khung nhôm kính che chắn toàn bộ ban công của căn hộ. Tại khu tập thể phường An Dương có 8 trường hợp xây tường gạch, khung nhôm kính che chắn toàn bộ ban công của căn hộ. Có trường hợp sau khi đã tiến hành tháo dỡ các lồng sắt, buồng lồi lại tái lắp đặt khung nhôm kính che chắn ban công. Tại khu tập thể phường Lam Sơn có 2 trường hợp chưa tháo dỡ lồng sắt, buồng lồi; 2 trường hợp chỉ tháo dỡ một phần, chưa tháo dỡ triệt để.

Do đó, Công an thành phố đã đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân tiếp tục triển khai nhiệm vụ tháo dỡ buồng lồi, lồng sắt, tường kín, tường kính xây bịt kín ban công tại các công trình thuộc sở hữu Nhà nước. Các địa phương không để tái làm lại lồng sắt và tiếp tục tuyên truyền các hộ dân có biện pháp bảo vệ chống rơi trẻ em, chống trộm…

Song song với việc tháo dỡ lồng sắt, theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, Sở Xây dựng đã xây dựng dự toán về việc sửa chữa, bổ sung hệ thống PCCC, xây tường ngăn cháy tại các khu chung cư thuộc sở hữu Nhà nước. Để công tác dự toán được hoàn thiện nhanh chóng, Sở Xây dựng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hải Phòng) khảo sát hiện trường tại các khu chung cư: Khu chung cư 9 tầng Đông Khê, Khu chung cư N1, N2 Lê Lợi (quận Ngô Quyền); Khu chung cư U19 Lam Sơn, Khu chung cư 5 tầng Kênh Dương, Khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm (quận Lê Chân)…

Đại diện Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho biết, 186 khu chung cư cũ cần phải trang bị bình chữa cháy xách tay với số lượng 2 bình/1 tầng. Các chung cư mới xây cần phải xây dựng tường ngăn cháy, vách riêng biệt và cửa ngăn cháy, đồng thời lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét. Việc rà soát, cập nhật bổ sung các phương tiện, thiết bị PCCC tại các khu chung cư đảm bảo yêu cầu theo quy định hiện hành. Dự kiến, với tổng kinh phí khoảng 12,7 tỷ đồng, hệ thống PCCC tại các khu chung cư thuộc sở hữu Nhà nước cơ bản sẽ được hoàn thiện.

Trước đó, tháng 11/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ yêu cầu các quận hoàn thành tháo dỡ lồng sắt tại chung cư thuộc sở hữu nhà nước trong tháng 12/2023. UBND các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An, Hải An gửi thông báo đến hộ dân, yêu cầu tự giác tháo dỡ toàn bộ lồng sắt cơi nới, cải tạo trái phép. Nếu hộ dân không chấp hành, chây ì, các quận sẽ tổ chức tháo dỡ. Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, thu hồi nhà cho thuê.