Báo Đời sống và Pháp luật đưa tin, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế tự chủ áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập (trừ các trường đại học xuất sắc và hệ thống trường chính trị).
Dự kiến, mức học phí sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng loại hình tự chủ tài chính. Trong đó, loại trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường có quyền quyết định mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Báo Pháp luật và Xã hội đưa tin, mức trần học phí với các ngành thuộc các trường đại học tự chủ tài chính. Theo đó, ngành y dược có học phí cao nhất. Học phí năm học 2016-2017 là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 5,05 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Học phí trường công có thể lên tới 5 triệu/tháng vào năm học 2020-2021. Ảnh minh họa |
Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 1,75 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 1,85 triệu đồng; năm học 2020-2021 là 2,05 triệu đồng.
Nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch, học phí năm học 2016-2017 tối đa là 2,05 triệu đồng/tháng/sinh viên, từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020 là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên và năm học 2020-2021 là 2,4 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Như vậy, theo khung học phí được Chính phủ quy định, mức học phí của các trường ĐH thực hiện tự chủ có thể sẽ tăng gấp đôi và gần gấp 3 so với trước.
Báo Công an Nhân dân thông tin, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: "Với chủ trương tự chủ nhưng phải đảm bảo không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách, nhà trường đã ban hành Quy chế cấp học bổng cho sinh viên chính quy".
Trong 2 năm học 2015-2016, 2016-2017, ngoài 17 tỷ đồng từ nguồn thu học phí, trường ĐH Kinh tế Quốc dân còn huy động được thêm 50 tỷ đồng từ các tập đoàn kinh tế, các cựu sinh viên nhằm hỗ trợ sinh viên nghèo học tập tại trường. Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên bố trí nơi ở, miễn giảm tiền thuê ký túc xá.
Đặc biệt, nếu như trong các năm trước đây, việc xét học bổng của trường cũng như các quỹ có liên kết với trường đều căn cứ vào kết quả học tập loại giỏi hoặc xuất sắc thì trong năm học tới, trường sẽ thành lập quỹ học bổng mới, dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ngay cả khi các em không phải là những sinh viên xuất sắc để các em có thể theo đuổi ước mơ của mình.
GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: "Để tăng cơ hội cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập khi học phí tăng, Nhà trường đã ban hành quy định về chính sách học bổng mới dành cho sinh viên chính quy giai đoạn 2015-2017. Trong đó, có những sinh viên nghèo được giảm học phí, nhưng dù giảm rồi vẫn quá khó khăn. Để giúp sinh viên yên tâm học tốt, Trường sẽ cấp một khoản học bổng.
Hoặc một số em qua thực tế thấy khó khăn mà theo các quy định hiện hành, các em không xếp được vào diện nào, Trường vẫn xem xét để cấp học bổng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đẩy mạnh chương trình “Tín dụng học tập dành cho sinh viên ĐH chính quy”, tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn triển khai chương trình tín dụng học tập dành cho sinh viên, bảo lãnh nợ gốc để người học được vay với lãi suất thấp.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng: "Với các trường thực hiện tự chủ, việc mở rộng đối tượng cấp học bổng là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng với các trường ĐH chưa thực hiện cơ chế tự chủ, dù muốn làm cũng rất khó. Do đó, ông Sơn đề nghị Bộ GD&ĐT nên chỉnh sửa quy định về cấp học bổng cho sinh viên để “cởi trói” cho các trường".
“Ngoài các đối tượng là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, quỹ học bổng cũng cần hướng tới hỗ trợ các đối tượng học sinh nghèo, học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng không nằm trong diện được miễn giảm học phí hoặc được hưởng học bổng. Khoản hỗ trợ này cũng cần được nâng lên so với mức hiện hành vì đã là hỗ trợ thì phải đủ để người học đóng học phí và sinh hoạt phí giống như các trường ĐH nước ngoài vẫn đang làm”. GS ông Sơn đề xuất.