(Nghịch lý) Thiếu hàng ngàn giáo viên vẫn phải... giảm biên chế(!)

Admin
Năm học 2018-2019 đã bắt đầu, hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tăng hơn chục ngàn học sinh so với năm học trước, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Vì thế, hai địa phương này thiếu hàng ngàn giáo viên (GV). Thế nhưng, theo quy định, trong năm nay, hai địa phương này vẫn phải tinh giản biên chế đội ngũ…

Học sinh tăng đột biến

Trường Mầm non Hoa Mai ở xã vùng sâu Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) bước vào năm học mới với nhiều lo lắng vì sĩ số học sinh tăng đột biến trong khi đội ngũ GV ở trường không đáp ứng đủ. Năm nay, trường tiếp nhận khoảng 600 cháu (tăng 100 cháu so với năm trước) nên việc dạy và học thêm khó khăn…

Theo lãnh đạo nhà trường, hiện trường đang thiếu từ 15 đến 18 GV nên buộc phải dồn học sinh, mỗi lớp lên 50 cháu mới có thể bố trí dạy tạm thời.

Cách đó không xa, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng thiếu GV bởi học sinh tăng đột biến. “Hiện nay, trường thiếu khoảng 8 GV nên chỉ bố trí cho học sinh học một buổi, đợi khi nào có thêm GV mới có thể tổ chức dạy hai buổi theo yêu cầu…”, lãnh đạo nhà trường nói.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đắk Glong, năm học mới toàn huyện có khoảng 542 lớp với 17.600 học sinh ở các cấp học, tăng 18 lớp và 850 học sinh. Tăng sĩ số dẫn tới thiếu tới 290 GV (208 mầm non, 41 tiểu học và 42 THCS) toàn huyện. Không chỉ ở huyện Đắk Glong, tình trạng thiếu GV cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác như: thị xã Gia Nghĩa thiếu 95 GV, huyện Krông Nô thiếu 78 GV và huyện Đắk Song thiếu 77 GV.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đắk Nông, năm học mới toàn tỉnh có khoảng 167.000 học sinh các cấp, tăng khoảng 7.600 học sinh so với năm học trước. Để đáp ứng số học sinh tăng này, tỉnh cần gần 650 GV, trong đó bậc mầm non thiếu 510 GV, tiểu học thiếu 133 GV.

Tương tự, năm học 2018-2019 huyện vùng sâu Krông Bông (Đắk Lắk) thiếu tới 175 GV (trong đó bậc mầm non 124, tiểu học 32 và THCS 19). Một số địa phương khác, đặc biệt tại TP Buôn Ma Thuột lại đang thiếu GV cục bộ do lượng học sinh vào lớp 1 năm học này tăng đột biến. Chỉ tính riêng học sinh vào lớp 1 năm học này tại TP Buôn Ma Thuột tăng 1.200 cháu so với năm học trước, trong khi đó biên chế GV vẫn như cũ…

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, để đáp ứng chương trình dạy học mới đối với bậc mầm non, hiện toàn tỉnh sẽ thiếu khoảng 1.000 GV và 1.400 nhân viên mầm non.

“Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình đề nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung số biên chế này cho ngành giáo dục địa phương nhưng đến nay chưa được phản hồi. Mới đây, tỉnh cũng xin thêm 54 biên chế giáo dục cho tất cả các bậc học nhưng đến nay chưa thấy Bộ Nội vụ trả lời”, ông Khoa thông tin.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác tuyển dụng, hợp đồng GV từ cấp THCS trở xuống được phân cấp cho cấp quận, huyện. Tuy nhiên ngành Giáo dục lại không nắm được tổng thể biên chế (giao ngành Nội vụ cấp huyện) nên xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Tại nhiều trường ở trung tâm GV dư quá nhiều trong khi các trường vùng sâu lại thiếu trầm trọng.

 Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên đang thiếu giáo viên trầm trọng.

“Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất phải giao việc tuyển dụng, tính toán biên chế GV… về một đầu mối là ngành Giáo dục để có tính toán hợp lý hơn, tránh việc thừa quá nhiều GV như huyện Krông Pắk vừa qua”, ông Khoa kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu GV là do dân số cơ học tăng nhanh, trong đó rất đông dân di cư tự do ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc vào Tây nguyên, trong đó có Đắk Nông. Việc tăng dân số quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc đảm bảo quyền đến trường của trẻ.

“Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang trình Bộ Nội vụ cho bổ sung 385 biên chế GV để đảm bảo công tác dạy học 2 buổi, thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Ngoài ra, hiện tỉnh đang yêu sắp xếp lại biên chế dư thừa, bổ sung cho những nơi thiếu”, ông Toàn nói.

Thiếu vẫn phải giảm

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cho biết, dù thiếu GV nhưng theo quy định chung, năm 2018 Đắk Lắk và Đắk Nông đều phải giảm biên chế ngành Giáo dục. Cụ thể, năm 2018, Đắk Lắk sẽ phải giảm hơn 400 biên chế toàn ngành. Còn Đắk Nông giảm 31 biên chế (bậc THPT)…

“Chủ trương của ngành Giáo dục là nơi nào có học sinh, nơi đó phải có thầy cô nhưng vẫn phải thực hiện theo quy định của Trung ương, của tỉnh. Đầu năm học mới, số học sinh vào lớp 1 tăng đột biến nên ngành đã phải sắp xếp, luân chuyển chỗ thừa về chỗ thiếu để đảm bảo công tác dạy và học”, ông Khoa thông tin.

Một trong những địa phương phải sắp xếp, luân chuyển nhiều nhất là huyện Krông Pắk - nơi đang chấm dứt hợp đồng với hơn 500 GV dôi dư do ba đời chủ tịch “ký bừa”. Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, nhiều trường ở thị trấn Phước An hoặc trung tâm các xã sau khi đã “cắt” GV hợp đồng vẫn còn dư rất nhiều biên chế. Để đảm bảo việc dạy và học, huyện này phải thực hiện việc luân chuyển các GV từ trường thừa nhiều về trường còn thiếu để đảm bảo việc dạy học.

Bước vào năm học mới, Trường THCS Ea Yiêng tại xã vùng sâu Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu GV. Năm 2018, trường này bị cắt 23 GV hợp đồng (nằm trong số hơn 500 GV hợp đồng mất việc tại huyện Krông Pắk) nên số GV biên chế không đảm bảo việc đứng lớp. Huyện Krông Pắk phải chuyển GV ở các nơi dôi dư về đây.

Theo đó, trong năm học này, huyện Krông Pắk có quyết định luân chuyển hơn 100 GV từ các trường thừa về trường thiếu, trong đó có 53 GV tiểu học, 50 giáo viên THCS.

Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk cho biết, ngoài cắt hợp đồng với hơn 500 GV thì năm nay huyện phải giảm thêm 80 biên chế. Ngoài ra, để đảm bảo công tác giảng dạy, việc luân chuyển GV từ trường thừa đến trường thiếu là một yêu cầu bắt buộc, tuy nhiên huyện cũng tạo điều kiện hết sức thuận tiện cho các GV.

Theo ông Vinh, số GV lớn tuổi, sắp nghỉ hưu; gia đình thương binh, chính sách; đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi… là những người được miễn, không phải luân chuyển. Vì việc thừa - thiếu GV cục bộ ở huyện xảy diễn ra khá căng thẳng nên buộc phải thực hiện việc luân chuyển. Tất cả việc luân chuyển phải dựa vào các tiêu chí trên để xem xét.

“Trong đó, việc luân chuyển phải đảm bảo việc đi lại, chăm lo gia đình của nhà giáo để yên tâm làm việc. Huyện cũng tạo điều kiện để GV đổi nơi đến cho nhau, nhằm đảm bảo thuận tiện nhất cho từng người”, ông Vinh nói.