Tình trạng bạo lực học đường gia tăng một phần nguyên nhân là do thầy cô có cách ứng xử không đúng chuẩn mực sư phạm. Ảnh minh họa. |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa yêu cầu ngành giáo dục thành phố triển khai thực hiện thí điểm lắp camera, bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Lí do là trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều trường hợp trẻ mầm non bị bạo hành về tinh thần và thân thể tại các nhóm lớp, trường mầm non tư thục và công lập.
Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT trình đề án thí điểm trước ngày 23/4.
Thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở bắt đầu xây dựng kế hoạch lắp đặt camera trong các trường mầm non nhằm tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Giải quyết vấn đề lo sợ bạo lực học đường của phụ huynh học sinh bậc học mầm non, huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) cũng vừa đầu tư lắp đặt camera giám sát cho toàn bộ các trường mầm non công lập trên địa bàn.
Trước đó, nhằm nâng cao chất lượng quản lý trường học và đảm bảo an ninh, nhiều trường học trên cả nước đã lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm mục đích tránh tình trạng lạm dụng tình dục, bạo lực học đường… xảy ra trong trường lớp.
Có thể thấy, xu thế lắp camera trong nhà trường đang được rốt ráo đẩy mạnh mà rõ nhất, dễ thấy nhất là ở khối mầm non.
Quả vậy, nếu đến các trường mầm non bây giờ, nhất là các trường tư, sẽ thấy luôn có màn hình camera theo dõi 24/24h.
Có camera vẫn bị bạo hành
Song, thực tế không ít vụ bạo hành học đường vẫn xảy ra ở ngay những trường, lớp đã lắp camera.
Bởi lẽ cô giáo có thể dắt trẻ ra những góc khuất camera không với được tới để "răn đe nặng", để trên màn hình chỉ còn lại những hình ảnh yêu thương ngọt ngào.
Ngược lại, không ít phụ huynh gửi con đi trẻ lại lệ thuộc vào "camera" soi từng hành động của cô để phản ánh, kiểm soát, phản hồi, đòi điều chỉnh.
Một khảo sát cho thấy có đến hơn 80% người được hỏi đồng tình với ý kiến “dù trường học có gắn camera, phụ huynh vẫn không dám chắc con mình có bị bạo hành ở trường hay không”.
Qua đó cho thấy camera giám sát thật ra chỉ có tác dụng về mặt tâm lý đối với phụ huynh, còn lại đa phần vẫn phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên và sự quan tâm, sâu sát của ban giám hiệu.
Rất nhiều bạn đọc gửi chia sẻ về tòa soạn, "Lắp camera nhưng nếu có bạo hành máy sẽ hư khúc đó; Lắp Camera là cần thiết nhưng mong chờ vào lương tâm của giáo viên. Nếu đã chọn con đường chăm trẻ thì phải yêu trẻ để không xảy ra việc bạo hành; Dù là lắp đặt camera hay không ??? Quan trọng nhất vẫn là lương tâm và trách nhiệm của các giáo viên...
Chia sẻ h này quá chuẩn xác khi thời gian gần đây, liên tục xảy ra những tai tiếng trong ngành giáo dục, gây bức xúc dư luận, làm xấu đi hình ảnh đáng kính của các thầy cô giáo.
Thế nên chỉ trong vòng đầu tháng 3 vừa qua, Bộ GD&ĐT phải lên tiếng cả chục lần về bạo lực học đường. Đó là việc giáo viên phạt học sinh quỳ gối; cho trẻ xúc miệng nước giẻ lau bảng; im lặng không giảng bài suốt 3 tháng; sàm sỡ học sinh; giáo viên bị học sinh bóp cổ; bị người nhà phụ huynh bắt quỳ gối, hay thầy giáo bị học sinh thủ dao đâm thủng bụng vì lỡ tát học sinh trên lớp...
Nói về các vụ việc, người đứng đầu ngành giáo dục - ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng thực tế người ta cũng nhận thấy phần nào những giá trị, chuẩn mực của nhà giáo, trong học đường có phần lung lay, suy yếu. Đây có phải căn nguyên từ việc chưa coi trọng triết lí giáo dục, nhân cách sống khi đào tạo giáo viên và trong giảng dạy?
Hẳn cũng căn cớ , khi Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này. Ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác.
Vì thế, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định cần tăng cường việc dạy người, bên cạnh việc dạy chữ, cần phải dạy lễ.
"Một bộ quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới” - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Vậy nhưng, nếu người thầy không có bản lĩnh, không giữ được cái tâm trong sáng của nghề gieo chữ thì rất có thể bộ quy tắc ứng xử cũng chẳng thế làm mất đi những rắc rối, nhức nhối của ngành giáo dục.