Phụ huynh tín nhiệm, giáo viên mới đạt "dạy giỏi"

Admin
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến sẽ thay đổi phương thức công nhận giáo viên dạy giỏi. Theo đó, thay vì phải trải qua một cuộc thi như trước đây, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Cụ thể, hội đồng xét công nhận sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc đánh giá giáo viên dạy giỏi thông qua 1-2 tiết dạy như vậy là không thực chất mà sự đánh giá phải là cả quá trình, với các tiêu chí như sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Vì vậy, việc chuyển sang xét giáo viên dạy giỏi sẽ bảo đảm được yêu cầu này. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm áp lực cho giáo viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc thay đổi phương thức đánh giá thực chất là chuyển áp lực cho giáo viên từ cách này sang cách khác. Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến đóng góp cho Bộ GD-ĐT trong việc hoàn thiện dự thảo thông tư quy định việc xét, công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi vừa được Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm tổ chức tại Hà Nội, bà Phạm Thị Vân Anh, Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội), cho rằng trước đây, giáo viên bị áp lực để chuẩn bị tiết dạy thực hành thì sau này có thể căng thẳng vì chuẩn bị hồ sơ nhằm đáp ứng điều kiện xét, công nhận giáo viên giỏi. Liệu ai có thể cam đoan không xảy ra tình trạng "làm đẹp hồ sơ" để lấy thành tích?

 Tiêu chí để công nhận giáo viên dạy giỏi đang được cho là tăng áp lực cho giáo viên Ảnh: Tấn Thạnh 

Chưa hết, quy định dự kiến giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường là người "được đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ tín nhiệm" cũng khiến nhiều người trong ngành giáo dục lên tiếng. Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhận định đánh giá của học sinh thường cảm tính, trong khi đó việc lấy ý kiến của phụ huynh không phải nhiệm vụ dễ dàng, nếu không muốn nói đó là rất khó.

Ông Trần Đức Cường, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), cũng có chung quan điểm này. Ông Cường nhận xét tiêu chí giáo viên giỏi phải được "học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm" là khá mơ hồ. Chuyên gia này đặt câu hỏi liệu có phương thức nào để đánh giá mức độ này? Đồng nghiệp có thể thông qua dự giờ, bỏ phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm. Vậy đối với học sinh, ai sẽ lấy tín nhiệm, có phải nhà trường làm? Với phụ huynh thì càng khó hơn bởi nhà trường có tổ chức được việc lấy tín nhiệm của phụ huynh?

Bà Nguyễn Thị My, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Archimedes, cho hay trước đây từng đưa tiêu chí này ra hội đồng trường để thảo luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo bà My, nói đến tiêu chí là phải nói đến các minh chứng, chúng ta không thể xét định tính mà bắt buộc phải định lượng. Vậy định lượng tiêu chí này thế nào? "Nếu định lượng công khai xét để phụ huynh có thêm "quyền" đối với giáo viên trong bối cảnh giá trị tôn sư trọng đạo đang bị giảm đi cùng với sự phát triển xã hội thì có hợp lý? Nếu cho phụ huynh quyền ngày càng lớn, giáo viên sẽ chịu thêm sức ép từ sự soi xét của phụ huynh khi sử dụng tiêu chí tín nhiệm" - bà My băn khoăn.