'Tăng giá sách giáo khoa đến 30% là không thể chấp nhận được'

Admin
Đại diện một số nhà xuất bản, chuyên gia giáo dục, phụ huynh cho rằng đề xuất tăng giá sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam là không hợp lý.

Theo thông báo của NXB Giáo dục Việt Nam đến các đơn vị thành viên, giá bìa sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học 2019-2020 dự kiến tăng.

Dựa vào bảng báo giá cho thấy, tất cả, gồm 158 cuốn SGK các môn từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến tăng giá. Trong đó, 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành, còn lại tăng từ 10%-40%. Dù chưa được Bộ GD&ĐT chấp thuận, đề xuất này bị nhiều người phản đối.

Tăng giá SGK là vô lý

Trao đổi với Zing.vn sáng 6/3, ông Kim Quang Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam - nói ông rất bức xúc với thông tin dự kiến tăng giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam.

 Theo đề nghị của NXB Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đều tăng. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Hiện nay, dù giá vật tư, chi phí in ấn, giấy mực có tăng thì cũng không đến mức phải tăng giá sách đến 30%. Đề nghị tăng giá của NXB Giáo dục Việt Nam hết sức vô lý, không thể chấp nhận được. Với giá sách mà NXB đề nghị, nếu đem ra đấu thầu công khai với các yêu cầu chi tiết khổ sách, loại giấy, mực in xem giá như thế nào, sẽ biết ngay giá NXB Giáo dục Việt Nam đề nghị có hợp lý không", ông Minh nêu quan điểm.

Ông Minh cũng khẳng định trong bối cảnh hiện tại không thể có việc tăng giá SGK và đề nghị NXB Giáo dục Việt Nam công khai chi phí xuất bản sách này nếu muốn tăng giá.

"Chúng ta thực hiện phổ cập giáo dục, nhiều tỉnh vùng sâu, xa còn khó khăn, học sinh không có được bộ sách đầy đủ, bây giờ tăng giá sách thì làm sao họ mua nổi, khác gì bắt chẹt người dân", ông Minh nói.

Ông Lê Hữu Thành, Giám đốc NXB Khoa học Xã hội - cho biết hiện nay, giá sách vở, tài liệu do NXB này in ấn, phát hành không có sự thay đổi. NXB Giáo dục Việt Nam đề nghị tăng giá SGK có lẽ do cách tính toán chi phí riêng của họ.

"Nếu tăng giá, tôi sẽ tẩy chay SGK"

Bà Quyên, một chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng giáo dục, cho biết việc nhà xuất bản dự kiến tăng giá sách trong bối cảnh chỉ còn một năm nữa là cả nước áp dụng SGK của chương trình mới sẽ khiến phụ huynh bất bình, phản đối, thậm chí tẩy chay SGK.

"Bộ SGK hiện tại đã được đưa vào sử dụng từ lâu, nghĩa là chi phí đầu tư ban đầu để biên soạn đã được thu hồi. Trong khi đó, từ năm học sau, cả nước bắt đầu áp dụng bộ SGK mới, việc tăng giá này có phải là nhà xuất bản muốn 'ăn cú chót' hay không?", bà Quyên đặt nghi vấn.

Người này cho rằng việc tăng giá SGK ở thời điểm hiện tại là không nên. Phụ huynh sẽ tìm cách đối phó, không sử dụng SGK mới.

"Hiện nay, không có quy định, trường học nào bắt buộc học sinh phải có đủ bộ SGK mới được vào lớp. Nếu là giáo viên chủ nhiệm, tôi chỉ mua một bộ rồi photo hoặc scan ra cả lớp dùng. Cứ như vậy, mỗi trường học chỉ cần mua một bộ sách theo khối lớp, thậm chí tôi có thể không dùng SGK", bà Quyên nói.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - NXB Giáo dục Việt Nam phải giải trình rõ lý do tăng giá sách trong thời điểm này.

"Việc tăng giá sách ảnh hưởng hàng triệu học sinh, gia đình. Dù tăng mỗi quyển có vài nghìn, cũng không thể xem nhẹ, tăng đến 30% không phải là chuyện nhỏ. Đối với một mặt hàng đặc biệt như SGK, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý, không thể để nhà xuất bản tăng giá một cách tùy tiện. Khi mọi thứ đang bình ổn, việc đột ngột tăng giá SGK là không được", ông Nhĩ nói.