Thưởng thức đặc sản trứng kiến vàng ở Hầm Hô

Admin
Những thực khách trót mê mẩn món trứng kiến vàng chắc hẳn không còn lạ lẫm với địa danh Hầm Hô (Bình Định). Có người còn cho rằng trứng kiến là món lộc trời, bởi nó không những là sản vật ngon, lạ, bổ dưỡng mà còn rất hiếm.

Hầm Hô là địa danh du lịch hấp dẫn của vùng đất võ Tây Sơn (Bình Định). Đây là vùng đất khô cằn, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc làm tổ của các bầy kiến vàng. Biết được trứng của loại kiến này có hàm lượng dinh dưỡng cao nên người dân trong vùng đã khéo léo sáng tạo nên vô vàn những món vừa ăn ngon, vừa bổ dưỡng.

Thời điểm lấy trứng kiến kéo dài từ tháng giêng cho tới cuối tháng 2. Đây là giai đoạn trứng kiến vàng ngon nhất, mọng nước, có màu trắng sữa và đặc biệt chứa hàm lượng protein cao. Những tháng này, có ngày người dân khai thác được khoảng 6 - 8 kg trứng kiến, thu nhập lên đến cả triệu đồng.

 Người Hầm Hô cho rằng, trứng kiến vàng là món ăn "lộc trời".

Theo kinh nghiệm của người “săn” trứng kiến lành nghề, tổ kiến ngon, nhiều dinh dưỡng là loại tổ có nhiều trứng ở độ căng tròn mọng sữa, trắng muốt, có lớp màng trắng phủ đều kết nối các lá bọc ngoài.

Để tìm được trứng kiến vàng, người dân phải đi vào tận trong rừng sâu. Việc khai thác cũng cần có “mánh” và sự khéo léo, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ bị họ hàng nhà kiến cắn không thương tiếc.

Nếu là người mới đi “săn” lần đầu, không có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhầm lẫn trứng kiến với ấu trùng của chúng. Để dễ dàng phân biệt, dân chuyên nghiệp căn cứ vào màu sắc của ổ kiến vàng. Nếu ổ nguyên màu xanh đậm nghĩa là trứng vừa mới rụng, còn khi đã ngả màu vàng ươm, chắc chắn trứng đã phát triển thành ấu trùng.

Để lấy được trứng kiến, người dân chọn sào tre ngà chừng 8m vót nhọn một đầu, buộc chặt thau nhôm vào phía dưới cây sào hứng trứng. Sau nhiều lần cầm sào nhọn chọc vào tổ, trứng và kiến đều rơi vào thau nhôm. Thau ở dưới có rải lớp tro mịn, mục đích để trứng được bảo vệ không bị vỡ. Lúc này, người dân tiến hành gạn lọc lớp tro rồi nhặt trứng mang về.

 Tìm và "săn" trứng kiến vàng không phải việc đơn giản.

Trứng kiến vàng còn có ở một số nơi khác như miền Tây Nghệ An, Quảng Bình hay Tây Nguyên,… Người miền núi có món trứng kiến nấu măng sặc. Ở Củ Chi có đặc sản canh trứng kiến nấu với lá giang, thân chuối độc đáo. Ở Minh Hóa (Quảng Bình) có món canh chua lá bún nấu trứng kiến rất ngon. Nhưng ăn trứng kiến phải biết cách, ăn chậm, nhấm nháp từng chút một mới thấm thía cái vị béo bùi, ngon ngọt.

Với bàn tay khéo léo của người dân Hầm Hô, có ba món ngon được ưa chuộng hơn cả là nộm trứng kiến, cải kho trứng kiến và canh trứng kiến. Cách làm vừa đơn giản vừa dễ thực hiện, người sành ăn chỉ cần nhìn qua một lần là biết ngay. Trứng kiến đem xào chín, nêm gia vị vừa dùng. Sau đó đem trộn với hỗn hợp dưa leo, bưởi và đài hoa đực của quả mít thái mỏng, rắc thêm ít đậu phộng rang là xong ngay món nộm. Khi ăn nộm trứng kiến sẽ có vị chát, chua, ngọt và độ giòn tan hòa lẫn rất độc đáo.

 Món nộm trứng kiến vàng nức tiếng của Bình Định.

Cải kho trứng kiến cũng là món hấp dẫn. Người chế biến chỉ cần lấy bẹ cải cay ủ chua lâu ngày đem kho với trứng kiến, để độ hai phút nhắc xuống là dùng được ngay. Cuối cùng là canh trứng kiến, chỉ cần đun sôi nước, thả trứng kiến vào nồi, nêm gia vị vừa ăn, cho thêm ít hành lá là có ngay món canh ngon dùng với cơm trắng.

 Có rất nhiều món ngon được chế biến từ trứng kiến vàng.

Đặc biệt, người Hầm Hô có bài thuốc đặc trị đối với người bị bệnh tiểu đường. Theo tìm hiểu, loài kiến vàng có khả năng tiết ra một lượng axit làm thúc đẩy quy trình sinh trưởng của cây ăn quả như cam, chanh, bưởi… Chỉ treo miếng thịt bò trên cành cây cao có ổ kiến vàng độ hai giờ đồng hồ sau đó đem thái mỏng nấu cháo. Ngay lập tức, chất chua tiết ra từ kiến ngấm lên thịt bò sẽ khử được lượng đường thừa trong máu người bệnh.

Trứng kiến ngon bổ là thế, nhưng nguồn kiến vàng hiện nay đã trở nên khan hiếm vì những tác nhân môi trường. Tuy nhiên nếu đến Hầm Hô vào đúng mùa “săn” trứng kiến, bạn vẫn có thể may mắn được thưởng thức món trứng kiến tuyệt vời này.