Tiền lương “kéo” chuẩn giáo viên!?

Admin
Các chuẩn giáo viên dễ dàng bị lung lay hoặc được đáp ứng một cách đối phó nếu như chuẩn chỉ đặt nặng về mặt quản lý, chuyên môn mà bỏ quên chuẩn tiền lương cho nghề giáo.

Nặng lòng chuyện lương

Trước thông tin trong năm học này, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn giáo viên (GV) và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm. Qua đó, lấy cơ cơ sở để rà soát, sắp xếp, xử lý cán bộ GV chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc... GV không quá quan tâm dù mình là đối tượng trực tiếp.

Hầu hết GV đều cho rằng, chuẩn nào đi chăng nữa - trong bối cảnh rất nhiều yêu cầu, tiêu chí, đánh giá đối với nhà giáo như hiện nay - nếu không thay đổi “chuẩn” tiền lương thì những chuẩn khác sẽ không còn quá giá trị.

 

Lương GV là vấn đề được nhắc đến từ rất lâu. Từ tâm tư của mỗi người thầy cho đến các hội thảo, chuyên đề hay những dịp lễ kỷ niệm liên quan đến ngày nhà giáo, các đợt khảo sát... chuyện lương thầy cô đều được nhắc đến một cách tha thiết và nhức nhối.

Có vô số tiêu chuẩn, tiêu chí về mặt quản lý, chuyên môn, đạo đức cho nhà giáo nhưng thực tế là đồng lương GV đã được ví von không bằng lương công nhân, lương nhân viên bán siêu thị, lương giúp việc nhà...Trong những đợt đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM đi khảo sát, nhiều quản lý ngành giáo dục đã nghẹn ngào khi nói thực trạng giáo viên trẻ thà chọn đi đi bán hàng siêu thị lương cao hơn, ít áp lực hơn là bám nghề.

Nhiều GV đang miệt mài đứng lớp với đồng lương 2 - 3 triệu đồng/tháng. Rất nhiều người phải xoay sở để làm thêm đủ nghề tay trái để nuôi sống bản thân và lo cho con và gia đình. Bươn chải mưu sinh đủ công việc bên ngoài, GV bị ảnh hưởng thời gian, tâm sức dành cho công việc chuyên môn của mình. Và rồi, nhiều người đã không còn mặn mà với những tiêu chí, đánh giá, chuẩn này chuẩn nọ...

Chuẩn lương phải là “chuẩn ưu tiên” hàng đầu

Cô Nguyễn Như L., giáo viên ở Đồng Nai chia sẻ quản lý đưa ra chuẩn này chuẩn nọ cho nhà giáo nhưng nếu không quan tâm và có chính sách rõ ràng để thay đổi chuẩn tiền lương thì mọi thứ chỉ ở phần ngọn. “Chuẩn” lương như hiện nay chắc chắn sẽ “kéo” các chuẩn GV khác. Các chuẩn GV về mặt quản lý, chuyên môn đều dễ dàng bị lung hoặc sẽ được đáp ứng một cách đối phó từ người thầy nếu như bỏ quên chuẩn tiền lương.

“”Lương vậy thì đòi hỏi gì nhiều” là câu tôi nghe được rất nhiều từ các đồng nghiệp trong trường và trên các diễn đàn nhà giáo. Đồng lương của GV thấp đang kéo mọi thứ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, cô L. nói.

 Chuẩn tiền lương sẽ tác động nhiều đến các chuẩn về quản lý, chuyên môn với nhà giáo

ThS Vũ Hoàng Sơn, GV tại TPHCM cũng nói về thực tế chúng ta đang đang nhìn thấy hiện nay, dạo một vòng các trang facebook cá nhân của thầy cô đầy những dòng chữ về giới thiệu sản phẩm, giá cả các mặt hàng mà thầy cô đàng buôn bán để kiếm sống thêm. Nhiều người còn kiêm thêm đủ nghề khác như làm nghề thủ công, in ấn, mở tiệm sách báo...

Nhiều khi đồng nghiệp trong trường trở thành “thượng đế” cho các mặt hàng: bút viết chữ đẹp, cá khô, rau sạch, gạo, nước mắm, áo quần, dịch vụ bảo hiểm… của chính thầy cô. Họ đã không còn e ngại, đồng nghiệp trong cảnh nên cũng cảm thông.

Thầy Sơn đồng tình chuẩn GV phải quan tâm đến việc cải cách chế độ tiền lương. Nhất là trong điều kiện mức lương mà người thầy được nhận hàng tháng là không đủ chi tiêu cho chính bản thân họ huống chi còn phải lo cho gia đình.

Ngoài ra, ThS Vũ Hoàng Sơn đề xuất, khi xây dựng quy chuẩn đánh giá GV , Bộ cần chú ý đến việc cải cách việc xét các danh hiệu thi đua. Cần đưa ra các tiêu chí tương ứng với từng danh hiệu thi đua của ngành để mỗi GV cán bộ quản lý dựa trên cơ sở đó đề ra mục tiêu phấn đấu và thực hiện.

Khi đã hoàn thành đủ các tiêu chí thì đương nhiên GV, cán bộ quản lý sẽ được công nhận danh hiệu thi đua của ngành, không cần phải thông qua vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm trong nhà trường, trong liên tịch.

Ngoài ra, ThS Sơn cũng mong muốn cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao cho cán bộ quản lý, GV đang công tác ở trường phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và nhất là đáp ứng nguồn nhân lực cho công việc thay sách giáo khoa mới.