Về Hải Phòng thăm làng gói bánh chưng nào "hết bay" bánh đó

Admin
Không dùng khuôn để gói, người dân làng Bấc 2, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng chỉ với đôi tay thuần thục cùng bí kip gia truyền đã làm nên thương hiệu bánh chưng Thủy Đường nổi tiếng khắp vùng.

Bánh Thủy Đường ngon, thơm, xanh rền, chiếc nào chiếc nấy đều vuông vắn tăm tắp dù chỉ là gói bằng tay, không dùng khuôn. Mua bánh chưng Thủy Đường về ăn, lỡ có để quên 1 tuần cũng không thấy nấm mốc. Đấy là cái độc và hấp dẫn của bánh chưng vùng này.

Người làng Bấc 2, xã Thủy Đường bao đời sống và làm giàu với nghề gói bánh chưng  

Bởi thế, về Thủy Đường dù bất cứ mùa nào, năm nào cũng thấy nhà nhà gói bánh chưng, làng làng gói bánh chưng. Mỗi gia đình đều giống như một công xưởng nhỏ, không khí làm việc lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp. Người làng Thủy Đường coi đó là nghề truyền thống, là niềm tự hào rất riêng của người Thủy Đường; thậm chí nghề gói bánh chưng còn là nghề để khởi nghiệp của bất cứ đám thanh niên nào khi bước vào đời.

Nguyên liệu làm bánh chưng cũng vẫn là thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, lá dong nhưng mọi khâu đều được chọn    kỹ lưỡng.

Bà Đồng Thị Tất (thôn Bấc 2, xã Thủy Đường) – người gắn bó lâu năm với nghề cha ông, tự hào kể: "Những ngày cao điểm, cả gia đình gói từ 1.000 - 2.000 chiếc bánh. Tuy nhiên, để có được chiếc bánh chưng thơm ngon như ý là cả một công đoạn khá công phu. Gạo gói bánh phải được "tuyển" là gạo nếp cái hoa vàng loại 1, rồi đỗ xanh lòng vàng, bên trong nhân đỗ phải bở và thơm.

"Thịt lợn gói bánh cũng cần chọn thịt mông, thịt ba chỉ dùng gói cùng nhân. Miếng thịt phải được thái dày dặn theo tỉ lệ, ướp thịt với bột canh, hạt tiêu, nước mắm dậy mùi thơm. Bánh luộc lên, các nguyên liệu hòa quện vào nhau, miếng bánh chưng ăn sẽ có độ ngon và ngậy" – bà Tất chia sẻ thêm.

 Không cần khuôn, chỉ với đôi tay chuyên nghiệp với nghề gói bánh, những chiếc bánh chưng mang thương hiệu Thủy Đường cứ xanh vuông tăm tắp, ngon thơm

Cũng giống gia đình nhà bà Tất, nhà ông Nguyễn Văn Hoài ở thôn Bấc 2 nổi tiếng với bánh chưng ngon. Để đáp ứng được đơn hàng đặt từ 3 tháng trước Tết, ông Hoài phải tuyển thuê thêm 7-10 thợ vào làm cho mình.

Ông Hoài chia sẻ: "Bánh chưng gói không hề khó nhưng lại là cả một nghệ thuật của người làm thủ công như người làng Bấc. Để hoàn thiện một chiếc bánh người gói chỉ cần một phút, gói nhanh không cần khuôn nhưng vẫn bảo đảm lớp gạo, đỗ trên và dưới bằng nhau. Nguyên liệu lá dong, lá chuối hột dùng để gói bánh chưng cũng phải trải qua đợt "tuyển chọn" gắt gao, bảo đảm tiêu chí không quá già, không quá non, không úa, rách để bánh có màu xanh đẹp. Bánh chưng thường luộc từ 8-10 tiếng, nặng khoảng 1kg đến 1,2kg".

Khi được hỏi về bí quyết làm bánh, ông Hoài đáp: "Sạch là yếu tố đầu tiên quyết định cái chất của bánh chưng này. Gạo đãi sạch, ngâm chỉ 1,5 tiếng, không ngâm ít hơn và cũng không lâu hơn. Thịt chuẩn phải là ba chỉ loại ngon. Một chiếc bánh khoảng 3 lạng thịt là chuẩn. Lá dong, lá chuối phải rửa thật sạch sẽ, phơi khô. Lá bẩn thì chỉ vài ngày là bánh mốc".

Theo lời những bậc cao niên trong vùng Thủy Đường, gói bánh đã rất cầu kỳ, khi luộc bánh cũng không được vội. Ngoài yếu tố kỹ thuật, nguyên liệu, nguồn nước ngọt từ những giếng đào trong làng đã làm nên hương vị đặc biệt của bánh chưng.

Vì ngon, vì có tiếng nên giá của mỗi chiếc bánh chưng ở Thủy Đường cũng khá đa dạng. Tùy theo nhu cầu đặt của khách, giá mỗi chiếc bánh chưng Thủy Đường từ 50 ngàn đến trăm ngàn/ cái, thậm chí còn hơn.

Bà Lê Thị Bích Hiển - Chủ tịch HND xã Thủy Đường cho biết: Xã Thủy Đường lâu nay vốn đã nổi tiếng với khá nhiều nghề truyền thống, từ xe chỉ, trồng rau, làm giá đỗ, bánh mì... Thế nhưng bánh chưng thôn Bấc 2 vẫn là một "đặc sản" của nghề gia truyền có tiếng. Bánh chưng Thuỷ Đường được gói quanh năm nhưng "đắt khách" nhất vẫn là vào dịp Tết Nguyên đán, bánh làm đến đâu "cháy hàng" đến đấy bởi hương vị nổi tiếng, đậm đà khó quên.

Nghề làm bánh chưng cũng đã trở thành một nghề đem lại nguồn kinh tế không nhỏ cho các hộ dân tại Thuỷ Đường. Nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, làng quê cũng thay đổi hẳn, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân trong làng nhiều năm trở lại đây đã được cải thiện rõ rệt.

Tác giả: Minh Thư

Nguồn tin: giadinh.net.vn