Dịch tả lợn châu Phi lan tới Nghệ An

Admin
Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, sau khi phát hiện một đàn lợn chết bất thường.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An thông tin, sau khi phát hiện 22 con lợn của gia đình chết bất thường, gia đình ông Hoàng Văn Lan, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu đã trình báo với chính quyền địa phương.

Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ngày sau đó, đơn vị này phối hợp với địa phương tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình ông Lan và phun trừ hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc ở các hộ trong xóm 7 và các xóm, xã lân cận.

  Cán bộ trạm kiểm dịch Bắc Nghệ An phun thuốc phòng ngừa dịch tả châu phi. (Ảnh BNA) 

Nghệ An hiện có gần 900.000 con lợn, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, có 120 trang trại chăn nuôi lợn tập trung với 103.345 con, chiếm 11,2% tổng đàn lợn; chủ yếu là chăn nuôi nông hộ với 295.598 hộ, gần 646.800 con;,chiếm 70,3% tổng đàn lợn của cả tỉnh.

Hiện toàn tỉnh chỉ có 56 cơ sở giết mổ tập trung, tỷ lệ lợn được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung chiếm 20% tổng số lợn được giết mổ của tỉnh; có trên 1.000 hộ giết mổ gia đình giết mổ 1 - 3 con lợn/ngày đêm.

Như vậy, hiện cả nước hiện có 14 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Gần đây nhất, vào chiều 12/3, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bắc Kạn thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở huyện Ngân Sơn.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm do virus ASF gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, với tỷ lệ chết lên đến 100%. Đây là bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, dịch bệnh tả lợn châu Phi dù lây lan nhanh và chưa có thuốc điều trị cho vật nuôi nhưng lại không gây bệnh trên người. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang hay tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn khác, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.