Gói 350.000 tỷ đồng: Đòn bẩy phục hồi kinh tế giữa đại dịch COVID-19

Admin
Giữa tác động nặng nề của COVID-19, thông tin gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng được doanh nghiệp, chuyên gia ví như đòn bẩy, động lực vô cùng quan trọng.

Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng bước sang đầu năm mới 2022, người dân và doanh nghiệp đều phấn khởi bởi Chính phủ vừa đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước lên tới 240.000 tỷ đồng, thay vì "mờ nhạt" chỉ giãn, hoãn các khoản thuế, phí như trước đây.

Doanh nghiệp mong sớm giải ngân

Là chủ một doanh nghiệp về thực phẩm, suất ăn công nghiệp và vận tải, kho bãi ở Hà Nội, anh Lưu Ngọc Nam cho biết, doanh nghiệp của anh gần như kiệt quệ vì COVID-19. Tuy nhiên, khi biết thông tin Quốc hội thông qua gói phục hồi kinh tế được tập trung thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, tạo sức bật tăng trưởng lên mức 6,5 - 7%/năm, anh cảm thấy như có thêm động lực.

“Chúng tôi rất vui mừng và mong là điều kiện để tiếp cận gói chính sách này sẽ dễ dàng hơn. Vấn đề thủ tục cũng là điều các doanh nghiệp rất quan tâm. Nhà nước nên tạo điều kiện để thủ tục được nhanh chóng, ngắn gọn”, anh Nam chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Công ty Cổ phần in ấn Tú Anh có trụ sở tại làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến doanh nghiệp phải xoay xở để tồn tại. Những sản phẩm đã ký hợp đồng và in ấn trước đó không thể giao hàng, do các nhà hàng, quán ăn không có khách hoặc nghỉ bán hàng. Trong khi đó, đủ loại chi phí vẫn tiếp tục đội lên khiến doanh nhiệp nhỏ của anh Tú gặp vô vàn khó khăn.

“Nếu được tiếp cận gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh lần này, chúng tôi có thêm cơ hội để hồi phục. Thời điểm này dù nguồn hỗ trợ không nhiều nhưng cũng rất đáng quý", anh Tú nói.

Chia sẻ với VTC News, TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ lần này thực sự tích cực bởi thiết kế chính sách sát hơn và trúng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp với 5 cấu phần rõ rệt, thậm chí có danh mục cụ thể, chi tiết hơn so với trước. Đáng quan tâm như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là 40 nghìn tỷ đồng trong 2 năm.

“Như vậy sẽ lan tỏa khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng được hỗ trợ, bao gồm cả tín dụng mới lẫn tín dụng cũ, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng. Ngoài ra, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn được các chuyên gia đánh giá cao về chính sách giảm thuế, phí, lệ phí, đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng sẽ như liều thuốc kích cầu tiêu dùng trong đại dịch”, TS Điều nói.

Theo TS kinh tế Lê Đăng Doanh, gói hỗ trợ 350.000 tỷ tương đối khiêm tốn so với các gói hỗ trợ của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ngân sách còn hạn chế, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. "Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là phải thực hiện triển khai càng sớm càng tốt, giống như Thủ tướng đã nói vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất”, ông Doanh đề xuất.

 Doanh nghiệp ngóng gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng.

Chuyên gia hiến kế để dòng tiền trúng đích

Phó Giáo sư- TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tin tưởng, với sự phê duyệt của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc có tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, mức tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7% trong năm 2022 là khả thi; nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ cơ bản trong tầm kiểm soát.

Để triển khai gói hỗ trợ thành công, theo bà Yến, phải tiếp tục rà soát kỹ hơn những đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó phải có một quy trình rõ ràng. Một số cấu phần phải phân định rõ hơn, đúng bản chất hơn. Cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động với đà tăng trưởng GDP trong hai năm 2022-2023.

“Chúng ta phải lưu ý khi tăng trưởng tín dụng vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2009, chúng ta để cho tăng trưởng tín dụng vọt lên 37% và cuối cùng dẫn đến lạm phát. Bên cạnh đó phải tránh doanh nghiệp lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này và gửi tiền chỗ khác hay đổ tiền vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản”, bà Yến nhấn mạnh.

PGS-TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, trong quá trình suy thoái và khủng hoảng kinh tế thì bất kỳ quốc gia nào cũng cần dùng gói chính sách để kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là sử dụng như thế nào, phục vụ cho đối tượng nào, đó mới là cần thiết.

Nhiều ý kiến đặt ra là nên tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay tập trung vào doanh nghiệp lớn, lĩnh vực, vùng kinh tế đầu tàu vốn có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, tạo việc làm.

“Theo tôi nên tập trung vào các đầu tàu kinh tế là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội…Với lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tôi cho rằng nên tập trung vào du lịch, hàng không và vận tải. Bởi nếu các địa phương, ngành này phục hồi thì sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp, công ty vệ tinh, địa phương khác bật dậy, sống lại và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động”, ông Long bày tỏ.

Ông Long cũng nhấn mạnh thêm: “Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị tác động, trong khi ngân sách có hạn, chúng ta phải biết lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, đúng thời điểm, quyết liệt, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được. Chỉ có như vậy thì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế mới thực hiện có hiệu quả".

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh phân tích: “Chúng ta nên tập trung vào một số địa phương. Ngoài ra, phải lưu ý đến những đối tượng có khả năng phục hồi, có tương lai trên thị trường. Vì nếu không mạnh, những người được cứu cũng rất dễ bị đào thải”, ông Doanh nêu ý kiến.

 Sản xuất, kinh doanh được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh trong năm 2022.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trọng Điều lại đồng tình với chính sách tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước và tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội với mục đích cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, cho vay ưu đãi sinh viên, người nghèo...

“Đây là gói rất tốt bởi vì sinh viên là lực lượng lao động tương lai và nếu họ gặp khó khăn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho xã hội”, ông Điều nhìn nhận.

Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm chính sách hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác. Tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng.

Chính sách tài khoá gồm chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023. Trong đó có các khoản chi cho y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Chính sách tiền tệ, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết.

Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.

Tác giả: PHẠM DUY

Nguồn tin: Báo VTC