Nguy cơ phá sản, Hiệp hội mía đường tiếp tục kêu cứu

Admin
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa kiến nghị nhiều giải pháp nhằm \"giải cứu\" hàng loạt doanh nghiệp ngành này đang lâm cảnh khó khăn.

Trong văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, VSSA đề nghị bộ này có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng xem xét đề xuất lại lộ trình và hàng rào thương mại đối với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trong đó có việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan từ 3-5 năm (tức tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường thay vì áp dụng từ 1-1-2020 theo lộ trình).

Lý do đưa ra kiến nghị nêu trên, theo VSSA, các nhà máy đường đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thiếu vốn lưu động nghiêm trọng do các ngân hàng thắt chặt việc cho vay. Nhiều nhà máy, công ty đã không có tiền để thanh toán tiền mía nguyên liệu cho nông dân.

Đến nay, nhiều nhà máy đường đã thua lỗ nặng, có nguy cơ đóng cửa nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niên vụ 2018-2019 mà còn dẫn đến những năm tiếp theo.

 Nông dân thu hoạch mía đường ở ĐBSCL. Ảnh NLĐ

VSSA đánh giá ngành mía đường đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước. Tính đến giữa tháng 3, cả nước có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, cho ra 750.000 tấn đường các loại và khoảng 150.000 tấn đường được tinh luyện từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu.

Tuy nhiên, tiêu thụ đường lại rất chậm do tồn kho vụ trước nhiều. Giá đường dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.

Trong khi đó, năng suất, sản lượng mía đang giảm nghiêm trọng, nhất là các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên và ĐBSCL. VSSA dự báo sản lượng mía niên vụ 2018-2019 chỉ khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và chỉ tương đương niên vụ 2015-2016, 2016-2017.

Trong bối cảnh đó, nhập khẩu đường lỏng (HFCS) dạng đường hóa học lại đang tăng nhanh. Năm 2014, cả nước chỉ nhập khẩu 46.000 tấn nhưng đến năm 2018 đã lên khoảng 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần.

Dự báo, tình hình sẽ càng khó khăn hơn khi ATIGA có hiệu lực từ đầu năm 2020, thuế nhập khẩu đường trong khu vực về 0%.

Ngoài kiến nghị kéo dài thời gian bảo hộ, VSSA còn đề xuất gần chục kiến nghị khác. Trong đó, đề nghị cơ cấu lại giá mía nguyên liệu, theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân theo tỉ lệ 70/30. Nghĩa là, giá một tấn mía nguyên liệu phải tương đương 70 kg đường, với giá đường chưa có thuế GTGT tại thời điểm ở cửa nhà máy.

Để cứu ngành đường, VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng (HFCS) với mức thuế suất 12%. Hiện mặt hàng đường lỏng đang không áp dụng hạn ngạch thuế quan và thuế suất áp dụng trong các nước ASEAN là 0%.