"Ván cược lớn" của Tổng thống Putin ở Venezuela giữa lúc Mỹ, NATO bối rối

Admin
Động thái của Nga ở Venezuela đến vào lúc Mỹ vừa có bài học thất bại ở Syria, trong khi sự tồn tại 70 năm của NATO đang bị đặt câu hỏi về sự lỗi thời và chia rẽ.

 Venezuela và Syria đã chia sẻ tình đoàn kết của mình trước áp lực từ Mỹ.

Cuộc đối đầu quy mô lớn đầu tiên của kỷ nguyên cạnh tranh giữa các quyền lực lớn đã mở ra với những diễn biến đang tăng tốc ở Venezuela. Đây được coi là điều có ảnh hưởng lớn đến lợi ích quan trọng của Mỹ ở Tây bán cầu, nhà phân tích Frederick Kempe từ Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

Căng thẳng Venezuela được đánh giá là bài thử nghiệm quan trọng nhất đối với uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump, với một loạt những cảnh báo sắt đá trong tuần này bởi ông Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton – những người đã tuyên bố: “Nga phải rời khỏi” quốc gia Nam Mỹ.

Phó Tổng thống Mike Pence đã tăng thêm áp lực vào hôm 6/4 với các lệnh trừng phạt mới đối với công ty dầu khí quốc doanh PDVSA, cũng như hai công ty vận chuyển dầu thô Venezuela đến Cuba. Ông Pence cũng cho biết Mỹ sẽ tăng áp lực lên Cuba.

Động thái tăng cường sức ép của Mỹ đến sau quyết định của Nga khi đưa hai máy bay và khoảng 100 nhân viên quân sự đến Caracas hôm 23/3. Lý do cho sự xuất hiện của người Nga là để sửa chữa các hệ thống phòng không S-300 do nước này sản xuất, được cho là đã bị hư hại trong những lần mất điện gần đây. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, nhân viên quân sự Nga đến đây là để cung cấp hỗ trợ an ninh cho chính quyền Tổng thống Maduro.

Ván cược lớn của Tổng thống Putin

Điều khiến các quan chức Mỹ lo ngại là Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ đặt nền móng cho việc biến Venezuela thành một vấn đề chính sách đối ngoại đối với Tổng thống Trump, giống như cách nước này biến Syria trở thành đối trọng với chính quyền Obama trước đây, chuyên gia Kempe nêu quan điểm.

Điều này cũng đã phần nào thể hiện rõ vào tuần trước, khi chính quyền Tổng thống Maduro và chính quyền Tổng thống Assad đã thể hiện tình đoàn kết ở Damascus, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza. "Hai dân tộc Syria và Venezuela chiến đấu chống lại âm mưu chủ nghĩa đế quốc của Mỹ và hai nước sẽ cùng nhau chiến thắng", ông Arreaza tuyên bố.

Mặc dù có rất nhiều điểm khác biệt giữa Venezuela và Syria, nhưng các kết nối giữa hai nước là đáng kể: một nhà lãnh đạo đang đối mặt với những vấn đề thù trong giặc ngoài, người sẽ có nhiều khả năng gục ngã nếu không có sự hỗ trợ của Moscow; một lằn ranh đỏ mà Mỹ đưa ra đối với Nga; và cuối cùng một cơ hội để chính quyền Putin củng cố danh tiếng toàn cầu của mình ở Tây bán cầu.

Là quốc gia có trữ lượng dầu được chứng minh lớn nhất thế giới, Venezuela là nơi mà một khi khủng hoảng xảy ra sẽ gây ra hậu quả cho thị trường năng lượng Mỹ Latinh và thị trường toàn cầu. Với sự tham gia của Mỹ và các đồng minh ở một bên và bên kia là Trung Quốc, Nga và Cuba, cuộc đối đầu đã mở sang cả mặt trận địa chính trị.

 70 năm ra đời, NATO đang bị đặt ra câu hỏi về việc liên minh này liệu có nên tiếp tục tồn tại.

Cây bút David Sanger của tờ New York Times mới đây đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump có thẳng thắn đối đầu với Nga hay không: "Venezuela sẽ là nơi ông Trump, người dường như thường bỏ qua mọi thách thức của ông Putin, cuối cùng cũng sẽ đưa ra lằn ranh đỏ của riêng mình? Và nếu như vậy, ông ấy có kế hoạch để thực thi nó hay không?"

Tuy nhiên, chuyên gia Kempe tin rằng, Tổng thống Putin đang đặt cược lớn vào khả năng Tổng thống Trump sẽ không có ý định làm điều đó cũng như không có kế hoạch nào của riêng mình. Điều này cũng đến từ một phần NATO.

Thách thức của NATO

Một sự trùng hợp trong những ngày qua đó là tình hình xung quanh Venezuela đã nóng lên ngay trong lúc liên minh NATO đánh dấu kỷ niệm 70 thành lập ở Washington, DC.

Tuy nhiên, trong lễ kỷ niệm, các chuyên gia đưa ra những câu hỏi mới về việc liệu liên minh này có được trang bị đầy đủ để phục vụ cho các cuộc cạnh tranh địa chính trị chiến lược dài hạn trong thời đại mới hay không.

"NATO là liên minh thành công nhất trong lịch sử bởi vì chúng tôi luôn có thể thay đổi khi thế giới thay đổi", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định trong cuộc họp.

Giới phân tích tin rằng, thách thức lớn nhất của NATO trong thế kỷ mới đó là cuộc cạnh tranh với các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Nga. Trong khi Nga đang bước đến những kế hoạch mới ở Tây bán cầu, NATO vẫn chưa kết nối được ở những nơi xa xôi.

"Mỹ nên dẫn đầu một nỗ lực phối hợp hơn để làm dày thêm các mối quan hệ chính trị và mối quan hệ hoạt động giữa NATO và các đối tác toàn cầu của mình", Damon Wilson của Hội đồng Đại Tây Dương nói trước một tiểu ban của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.

"Cụ thể, Mỹ nên xem xét chính thức hóa các liên kết giữa các đồng minh hiệp ước ở Châu Âu và những quốc gia ở Châu Á, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đồng thời, chúng ta nên bắt đầu thúc đẩy các liên kết giống như liên minh giữa các đồng minh hiện có của mình với các đối tác chiến lược như Ấn Độ hay ở Mỹ Latinh, như Colombia, Brazil và Mexico", chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuy nhiên có rất nhiều lý do để giới quan sát thấy rằng một viễn cảnh như vậy sẽ khó xảy ra khi Tổng thống Trump không hài lòng với nhiều vấn đề của các thành viên liên minh. Các thành viên châu Âu của NATO rất chia rẽ trong cách quản lý quan hệ với Trung Quốc và trong khi chỉ có một số ít thành viên NATO ở châu Âu tăng cường nghĩa vụ đóng góp.

Venezuela có thể là nơi thích hợp để xúc tác các liên kết sâu sắc hơn giữa Mỹ, Canada, các đồng minh chủ chốt của Châu Âu và các quốc gia ở Mỹ Latinh. Nhưng để làm được điều này, NATO sẽ cần phải có sự thay đổi và thống nhất hơn.