Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Món nợ 10 năm!

Admin
Theo phương án của Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ 4.069 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Do Nhà nước chưa bố trí ngay, nhà đầu tư vay hơn 4.000 tỉ đồng để GPMB. Đến nay chi phí lãi vay đã lên hơn 800 tỉ đồng.

 Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quy mô 6 làn xe, tốc độ khai thác 120 km/giờ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo phương án của Chính phủ, Nhà nước sẽ hỗ trợ 4.069 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Do Nhà nước chưa thể bố trí ngay, nhà đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã vay hơn 4.000 tỉ đồng để GPMB, thi công dự án từ năm 2008.

Do chưa được Nhà nước hoàn trả khoản vay này, đến nay chi phí lãi vay cho số tiền GPMB của dự án đã lên hơn... 800 tỉ đồng.

Nhà đầu tư chưa nhận được đồng nào...

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội cho phép bố trí 4.069 tỉ đồng từ nguồn 10.000 tỉ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia để thanh toán khoản nợ nói trên cho Vidifi.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - tổng giám đốc Vidifi - cho biết năm 2007, quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng quá tải, nhưng ngân sách không có để làm đường mới. Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam thành lập Vidifi để thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo quyết định 746 của Thủ tướng về cơ chế, chính sách hỗ trợ dự án, phần tham gia trực tiếp của Nhà nước vào dự án gồm: chi phí bồi thường GPMB 4.069 tỉ đồng. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước bố trí hoàn trả dần khoản này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Vì vậy, Vidifi đã vay VDB khoản này để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện GPMB từ năm 2008 - 2010. Cụ thể đã chuyển cho Hà Nội 892 tỉ đồng, Hưng Yên 788 tỉ đồng, Hải Dương 992 tỉ đồng, Hải Phòng 1.397 tỉ đồng.

Thứ hai là một phần vốn của Nhà nước hỗ trợ dự án được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường (khoảng 5.200 tỉ đồng). Tuy nhiên, đến nay Vidifi chưa nhận được đồng nào trong khoản hỗ trợ này.

Với các khoản vay nước ngoài tổng cộng 300 triệu USD, Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho Vidifi vay lại để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ trả dần các khoản nợ gốc của các khoản vay trên khi đến hạn theo hợp đồng vay (thời gian từ 13 - 30 năm).

Tuy nhiên, dù đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành, khai thác từ năm 2015 nhưng đến nay Vidifi chưa nhận được các khoản Nhà nước cam kết hoàn trả theo quyết định số 746 của Thủ tướng.

Do đó, Vidifi vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm. Tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay các khoản này ước trên 800 tỉ đồng.

Chậm giải ngân phần hỗ trợ của Nhà nước

Ông Đỗ Văn Sinh, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận hiện nay Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương đầu tư kết hợp công tư, song nhiều dự án vẫn chậm giải ngân phần hỗ trợ của Nhà nước.

Ông dẫn chứng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ cam kết hỗ trợ tiền GPMB... nhưng lại không bố trí được.

"Trước đó đã cam kết hỗ trợ với nhà đầu tư, họ phải đi vay, phát sinh lãi, nhưng lại không bố trí được tiền trả nợ cho họ. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải đi vay 6 tổ chức tài chính nước ngoài. Nếu thực hiện không đúng cam kết với nhà đầu tư nước ngoài thì ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Vậy tới đây, những dự án mới Chính phủ cam kết liệu có thực hiện được không?" - ông Sinh đặt vấn đề.

Liên quan đến khoản nợ tiền GPMB của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong nghị quyết 71/2018 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã có nêu sử dụng 10.000 tỉ đồng để thanh toán nợ GPMB một số dự án.

Nhưng vấn đề là ban đầu dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có phương án hỗ trợ nhà đầu tư khai thác quỹ đất dọc đường để xây dựng khu đô thị, nhưng sau đó thay đổi phương án bằng hỗ trợ tiền 4.000 tỉ đồng và tiền sử dụng đất mà Chính phủ chưa làm rõ được lý do thay đổi.

"Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là khoản 10.000 tỉ đồng từ điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia có ưu tiên cho các dự án phòng chống bão lũ, thủy lợi, nhưng Chính phủ lại đề xuất 60% cho GPMB. Tất nhiên, Chính phủ đã giải trình, nhưng cơ quan thẩm tra vẫn băn khoăn, chưa đồng tình. Khi cơ quan tham mưu nói vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không thể quyết. Bây giờ Quốc hội sẽ quyết định, còn những gì trong tầm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xử lý hết rồi" - ông Hiển giải thích.

Lo vỡ phương án tài chính

Theo tính toán của Vidifi, nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo quyết định số 746 của Thủ tướng không được cấp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Đáng ngại nhất là số tiền Vidifi vay để GPMB có lãi phát sinh trên 800 tỉ đồng vẫn tiếp tục phát sinh lãi suất. Nếu Nhà nước tiếp tục chậm hoàn trả sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án...

Đồng thời việc không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh sẽ ảnh hưởng đến cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Ngoài ra, việc chậm thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của VDB và công tác tái cơ cấu VDB do dư nợ vay của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 25%) trong tổng dư nợ tín dụng của VDB.