Tăng giá sách giáo khoa tác động không nhiều đến mặt bằng giá chung

Admin
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước thông tin công bố tăng giá sách giáo khoa (SGK) kể từ năm học 2019-2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), song theo ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), điều chỉnh giá SGK nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung.

 Giá bán sách giáo khoa (sách giáo khoa) từ lớp 1 - 12 sẽ tăng giá từ 6.500 - 25.000 đồng/bộ

Giá tăng 16,9% so với hiện hành

NXBGDVN cho biết, kể từ năm học 2019-2020, giá bán sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ tăng giá từ 6.500 đồng/bộ đến 25.000 đồng/bộ, bình quân tăng 1.000 - 1.800 đồng/cuốn, tức tăng khoảng 16,9% so với hiện hành.

Cụ thể, đối với bộ sách giáo khoa lớp 1, giá bán hiện hành là 47.500/bộ, nếu theo mức đề xuất giá mới là 54.000 đồng; lớp 2 từ 45.300 đồng/bộ tăng lên 53.000 đồng/bộ; tương tự đối với lớp 6 giá cũ là 97.700 đồng/bộ, giá mới là 115.000 đồng/bộ; lớp 7 từ 114.500 lên 134.000 đồng/bộ; lớp 12 theo chương trình chuẩn từ 154.200 đồng lên 180.000 đồng/bộ, tăng 25.800 đồng.

Bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học cả nước. Theo dự kiến, sách giáo khoa năm học 2019-2020 sẽ được phát hành từ tháng 4/2019 với số lượng 108 triệu bản.

Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng với mức tăng này, bởi thoạt nhìn, số tiền tăng giá mỗi cuốn sách không lớn nhưng tính cả bộ sách giáo khoa sẽ tăng lên vài chục nghìn đồng.

Với các hộ gia đình còn nhiều khó khăn, ngoài sách năm học mới còn phải mua thêm đồ dùng học tập, cộng với các khoản đóng góp đầu năm nên việc tăng giá SKG không khỏi lo lắng.

Chị Nguyễn Thu Trang (Bắc Từ Liêm-Hà Nội) tâm sự, 2 vợ chồng đều là viên chức nhà nước, với mức thu nhập như hiện nay lại đang nuôi 3 con đi học thì mỗi lần tăng giá một mặt hàng đồng nghĩa gia đình chị lại tăng thêm một khoản chi phí. Song, điều chị Trang thấy bất cập là 100% số sách giáo khoa tăng giá là sách tái bản, chứ không phải là sách mới. Vậy thì vì sao phải tăng giá?

8 năm không điều chỉnh giá

Về vấn đề này, trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn, NXBGDVN lý giải, đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, là DN phải tự cân đối, tự hạch toán hoàn toàn, không có sự trợ giá từ NSNN.

Giá sách giáo khoa hiện hành đã được đăng ký giá với Bộ Tài chính từ năm 2011 và không thay đổi suốt 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển đều tăng khiến hoạt động xuất bản - phát hành sách giáo khoa của DN luôn bị lỗ khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Do vậy, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ xem xét được điều chỉnh giá bán sách giáo khoa hiện hành từ năm học 2019-2020. Bên cạnh đó, theo Luật Giá và các quy định hiện hành, sách giáo khoa thuộc nhóm mặt hàng phải thực hiện kê khai giá.

NXBGDVN đã xin ý kiến, triển khai một cách cẩn trọng, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Theo lãnh đạo DN, đơn vị này đã có công văn báo cáo và nhận được sự đồng thuận về việc tăng giá sách giáo khoa của Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ.

Cùng với đó, DN cũng đã gửi công văn xin ý kiến Tổng cục Thống kê về việc đánh giá tác động của việc tăng giá bán sách giáo khoa tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019.

Theo đó, với phương án điều chỉnh giá sách giáo khoa mà NXBGDVN đưa ra sẽ làm tăng CPI năm 2019 khoảng 0,07%. Việc điều chỉnh giá sách giáo khoa theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, sách giáo khoa thuộc danh mục mặt hàng kê khai giá. Do vậy, trước khi xem xét điều chỉnh các mức giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đặc biệt là yếu tố đầu tác động đến giá thành sản phẩm, đơn vị sản xuất phải lập phương án kê khai giá cho cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm cả trường hợp điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm.

Việc NXB thực hiện kê khai giá sách giáo khoa với Bộ Tài chính là phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Theo hồ sơ kê khai của NXBGD, trên cơ sở phương án giá của năm 2016 để điều chỉnh cho năm 2019, để tính đúng, tính đủ theo quy định của Luật Giá và các phương pháp tính giá, DN này đề xuất điều chỉnh giá sách giáo khoa khoảng 20,2%.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và chia sẻ với người tiêu dùng, NXBGDVN đã rà soát và tiết giảm các khoản chi phí để điều chỉnh ở mức thấp nhất như phương án đã kê khai với Bộ Tài chính, trong đó, các yếu tố chính để tác động đến phương án tăng giá sách giáo khoa gồm tiền giấy, một số chi phí liên quan đến tiền lương, nhưng không có kết cấu lợi nhuận trong đó.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc điều chỉnh giá sách giáo khoa năm 2019 được kê khai từ tháng 2/2019 và sẽ có tác động chủ yếu vào tháng 7-8-9/2019 khi thời điểm bắt đầu năm học mới. Việc thực hiện tăng giá sách giáo khoa sẽ tác động làm tăng CPI chung của cả năm khoảng 0,07% và đã được tính toán trong báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành Chính phủ giá tại phiên họp đầu năm 2019. Do vậy, điều chỉnh giá sách giáo khoa nằm trong kiểm soát lạm phát của cả năm và tác động không nhiều đến mặt bằng giá cả nói chung.

Do sách giáo khoa là mặt hàng nhạy cảm, có tác động tới toàn xã hội nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp nhiều lần bàn về đề nghị điều chỉnh giá bán mặt hàng này của NXBGD. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu NXBGD rà soát cơ cấu và chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá và báo cáo bộ để xem xét có ý kiến chính thức. NXBGD đã thực hiện rà soát, mời các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra, thẩm định và đã có văn bản báo cáo.