Khám phá làng nghề bánh gai nổi tiếng Hà Tĩnh

Hậu Nguyễn
Bánh gai làng Khóng được người Hà Tĩnh xem là đặc sản của quê hương mỗi khi nhắc đến, nó không chỉ là món ăn mà còn là sinh kế của người dân nơi đây.

Bánh gai làng Khóng thuộc xã Đức Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có hơn 100 năm trước. Năm 2022, nghề bánh gai làng Khóng được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, trong làng có hàng chục hộ theo nghề và đã lập được nhiều hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh-1712044421.jpg

 

Mỗi gia đình làm bánh đều có những mảnh vườn trồng lá gai để tự cung cấp nguyên liệu

Những chiếc bánh gai mềm dẻo, thơm ngon của làng nghề bánh gai Đức Thọ đã trở thành món quà để nhiều người mang tặng bạn bè mỗi lần về quê. Từ những nguyên liệu như bột gạo nếp, lá gai và đậu xanh đã cho ra đời những chiếc bánh gói trọn vị quê hương.

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh1-1712044524.jpg

 

Đậu xanh nấu nhuyễn kết hợp với dừa nạo là phần nhân quan trọng của món bánh gai

Để chủ động nguyên liệu làm bánh, người dân ở đây đã mang cây gai vốn mọc hoang dã về trồng trong vườn nhà. Bột gạo nếp cái hoa cau sau khi tuyển lựa sẽ được giã, nhào nặn kỹ lưỡng tạo nên lớp vỏ bánh dẻo mềm, có màu đen óng, đàn hồi tốt để gói trọn phần nhân đậu xanh thơm bùi bên trong. Lá chuối khô được dùng để gói bánh.

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh2-1712044588.jpg

 

Chị Nguyễn Thị Hà đang trộn bột cùng lá gai để là vỏ bánh

Để làm ra những chiếc bánh gai thơm ngon, người làm bánh cần sự chỉn chu trong việc chọn nguyên liệu và khéo léo trong việc đồ nhân, nặn bánh, gói bánh rồi hấp. Bánh gai được làm quanh năm nhưng “rộ vụ” là dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Thời điểm này, làng nghề có thể xuất ra thị trường hàng vạn chiếc bánh mỗi ngày

Chị Nguyễn Thị Hà, trú xã Đức Yên, huyện Đức Thọ cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi có 10 công nhân, mỗi ngày làm khoảng 5000 chiếc bánh. Số bánh sau khi ra lò sẽ được cung cấp cho các đầu mối bán ở chợ. Vào dịp lễ, Tết, nhu cầu mua bánh làm quà cao thì mỗi ngày gia đình tôi có thể làm gấp đôi, gấp ba số lượng ngày thường”.

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh3-1712044633.jpg

 

Mỗi người nhận một công đoạn

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh4-1712044661.jpg

 

Bánh gai sau khi hấp chín sẽ được giao cho các đầu mối đi tiêu thụ

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà một người làm bánh lâu năm trong làng chia sẻ: “Đây là nghề đã theo chúng tôi hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ làm ít để bán hàng ngày nhưng nay nhu cầu làm quà biếu cao nên hàng ngày gia đình hơn 10 người chúng tôi làm việc không ngừng mới đủ bánh để phân phối”.

Ngoài trực tiếp làm bánh, một số hộ dân ở Đức Thọ còn trồng cây gai, làm lá chuối khô để cung cấp cho những gia đình làm bánh, vì nhu cầu cao nên những nguyên liệu này cũng rất được giá.

lang-nghe-banh-gai-noi-tieng-ha-tinh5-1712044700.jpg

 

Những lớp lá chuối khô giúp tăng hương vị của bánh

Nhờ món bánh này mà cuộc sống người dân trở nên khấm khá hơn. Vì lẽ đó, những người làm bánh gai luôn dặn con cháu mình phải “có tâm” với nghề. Nguyên liệu phải sạch, quy trình phải đảm bảo vệ sinh để cho ra những chiếc bánh ngon, sạch tốt cho sức khỏe người ăn.